Thông tin về nội dung dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chiều 20/6 tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Xã hội đã có cuộc làm việc nghe Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về một số nội dung lớn của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Luật BHXH là một luật rất khó, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ thẩm tra dự án Luật này tại Phiên họp tháng 8/2023. Do đó với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa, mục đích cuộc làm việc mong muốn cung cấp thêm thông tin cho các thành viên Ủy ban về dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội : Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 135 Điều trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, trong đó có bổ sung 03 nội dung mới (về trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng BHXH và Đầu tư quỹ BHXH).

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi lớn như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bổ sung thêm chế độ ốm đau thai sản cho người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện; Giảm điều kiện tham gia BHXH để được hưởng lương hưu; Thay đổi mức lương đóng BHXH; Hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần…

Các thành viên Ủy ban đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thẩm tra dự án Luật (sửa đổi) thời gian tới như: Hiện độ bao phủ của chính sách vẫn rất thấp; Tỷ lệ lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi lao động gia tăng trong các năm gần đây; Vấn đề tăng tuổi lao động dẫn đến tăng tuổi nghi hưu tương ứng đang đặt ra áp lực lớn cho bộ phận lao động trực tiếp, lao động việc làm trong điều kiện lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm; Áp lực với ngân sách nhà nước ở tầng hưu trí xã hội ngày càng lớn do tốc độ già hóa của nước ta rất nhanh và tỷ lệ bao phủ của tầng BHXH bắt buộc, tự nguyện tăng chậm.

Như Thảo - Sỹ Cường