Xem xét đẩy mạnh xã hội hóa trong thi hành án dân sự

"Tôi đề nghị quốc hội có thể sửa đổi bổ sung xã hội hoá mạnh mẽ hơn nữa cho nhiều chủ thể khác có kỹ năng nghiệp vụ như luật sư, luật gia trợ giúp pháp lý" - ý kiến của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đỗ Ngọc Thịnh trong thảo luận sáng 10/1 về sửa đổi Luật thi hành án dân sự.

Việc sửa đổi, bổ sung điều 55, 56, 57 của Luật Thi hành án dân sự nhằm quy định làm rõ hơn trường hợp uỷ thác thi hành án từng phần; làm rõ căn cứ uỷ thác xử lý tài sản trong trường hợp tài sản ở nhiều địa phương khác nhau; tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành án, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc dân sự, kinh tế.

Theo các đại biểu, việc sửa đổi, tạo cơ chế mới giúp cho việc kiểm soát tốt hơn về quá trình thi hành án đối với từng đối tượng, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm chính về tổ chức thi hành án đối với vụ việc; rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo bản án. Do đó các vấn đề sửa đổi cần đi đúng theo định hướng này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh  - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh:“Mục đích sửa đổi các quy định về uỷ thác thi hành án là để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong xử lý các vụ án tham nhũng kinh tế có tài sản tại nhiều nơi. Tuy nhiên việc quy định tạm dừng xử lý tài sản thi hành án mà không giới hạn thời gian tạm dừng thì quy định này chưa triệt để. Do đó đề nghị bổ sung thời gian tạm dừng. Mà nếu quá thời gian đó ko xử lý xong tài sản thì cơ quan nhận uỷ thác phải tiếp tục xử lý tài sản nhận uỷ thác”.

Bà Khang Thị Mào - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Tôi kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc, quy định rõ hơn đối với trường hợp tài sản được toà án kê biên để thi hành án có ở nhiều địa phương khác nhau trong trường hợp đó cần quy định rõ về trình tự thủ tục xử lý đồng thời các loại tài sản theo trình tự vì khi đó chưa biết được cần phải xử lý bao nhiêu tài sản để đảm bảo thi hành án. Nếu cơ quan thi hành án uỷ thác cho nhiều cơ quan dân sự ở các địa phương khác nhau cùng thực hiện xử lý đối với các tài sản mà xuất hiện trường hợp tài sản xử lý vượt quá số tiền cần phải đảm bảo thi hành án thì có thể dẫn tới phức tạp và phát sinh khiếu kiện của đối tượng thi hành án”.

Nhấn mạnh, ách tắc trong thi hành án dân sự hiện nay là rất trầm trọng, một năm có thể tăng lên ít nhất 20% số lượng án, trong khi cán bộ thi hành án thì không tăng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đoàn Hà Nội tranh luận, đề xuất sửa đổi của Chính phủ như hiện tại mới chỉ tháo gỡ một phần, cần tính toán đến phương án sửa đổi mang tính chất toàn diện hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Vấn đề ở đây chúng ta phải tháo nút thắt thi hành án dân sự trong tất cả các vụ án dân sự và thương mại. Vậy phải tháo nút thắt bằng cách nào? Thì tôi đề nghị là phải đẩy mạnh xã hội hoá trong thi hành án dân sự. Tôi đề nghị quốc hội có thể sửa đổi bổ sung xã hội hoá mạnh mẽ hơn nữa cho nhiều chủ thể khác có kỹ năng nghiệp vụ như luật sư, luật gia trợ giúp pháp lý. Các cơ quan thi hành án dân sự không thể chỉ uỷ quyền cho các cơ quan thi hành án dân sự thuộc nhà nước mà phải cho xã hội hoá câu chuyện này”.

Trên thực tế, kinh nghiệm một số nước như Đức, Nhật cho thấy, việc xã hội hoá thi hành án dân sự được triển khai rất mạnh nên những ách tắc liên quan là rất hạn chế./.