Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao

Nhờ chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt và an sinh xã hội, nhiều hộ gia đình khấm khá hơn và tệ nạn xã hội giảm. Mục tiêu lâu dài trong chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất là tạo động lực, hỗ trợ để nông dân khởi nghiệp, thực hiện các mô hình, từ đó thay đổi cách thức, tư duy sản xuất theo kịp xu hướng chung.

Dựa trên nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Chương ở thôn Na Pá đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, triển khai mô hình nuôi trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Từ những con giống đầu tiên, đến nay gia đình đã có hơn hàng chục con trâu và bò. Trừ chi phí, mỗi năm anh Chương thu về hàng chục triệu đồng từ bán trâu, bò cho thương lái.

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa mở ra hướng thoát nghèo bền vững. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Bản Mế đã đẩy mạnh hỗ trợ con giống, tập huấn kĩ thuật chăn nuôi gia súc, giúp hàng chục hộ dân làm chủ kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Toàn xã hiện có tổng đàn gia súc đạt trên 1.400 con.

Do khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở nên việc nghiên cứu, đưa giống cây trồng phù hợp được địa phương hết sức trú trọng. Ngoài phát triển cây ăn quả, cây dược liệu thì huyện Si Ma Cai dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân trồng cây rau màu vụ đông và rau trái vụ. Toàn huyện đã phát triển được 400 héc-ta cây rau màu vụ đông, trong đó có cần 100 héc-ta rau trái vụ, bình quân cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/1héc-ta.

Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của người dân ở Si Ma Cai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người dân thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, hiệu quả.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Vũ Thắng -

Hồng Ngọc