Tác động của phán quyết trong vụ Nam Phi kiện Israel vi phạm công ước về diệt chủng ở Gaza

Tòa án Công lý Quốc tế hôm qua đã ra phán quyết, yêu cầu Israel "thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn ngừa" các hành vi có thể vi phạm Công ước về diệt chủng năm 1948. Phán quyết được đưa ra trong vụ kiện của Nam Phi đối với Israel hồi tháng 12 năm ngoái. Động thái này được xem là có tính biểu tượng, và có thể có những tác động nhất định tới xung đột ở dải Gaza.

PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ

Trong phán quyết của mình, Tòa án Công lý quốc tế thông báo sẽ không bác bỏ vụ kiện khi một số quyền mà Nam Phi yêu cầu trong vụ kiện là hợp lý. Toà cũng xác định người Palestine là nhóm dân tộc được bảo vệ theo Công ước chống diệt chủng năm 1948, đồng thời yêu cầu Israel phải báo cáo với tòa trong vòng một tháng về những gì họ đang làm để duy trì lệnh trên.

Trực tiếp nghe chủ toạ phiên toà đọc phán quyết, tổng thống Nam Phi đã bày tỏ vui mừng cùng với các thành viên đảng cầm quyền. Nam Phi gọi phán quyết của Toà án công lý quốc tế là "chiến thắng quyết định" cho nền pháp quyền quốc tế.

Phán quyết cũng nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh từ Palestine và một số quốc gia khác. Trong khi đó, Israel bày tỏ sự không đồng tình.

Mỹ, một đồng minh thân cận của Israel cho rằng phán quyết của Toà án công lý quốc tế phù hợp với quan điểm của Washington, rằng Israel có quyền hành động, phù hợp với luật pháp quốc tế, để đảm bảo cuộc tấn công ngày 7/10/2023 sẽ không thể lặp lại.

TÁC ĐỘNG TỪ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA

Phán quyết của Toà án công lý quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý và không thể bị kháng cáo. Tuy nhiên, toà lại không có công cụ thực thi các phán quyết của mình. Một trong những biện pháp khẩn cấp được Nam Phi đề nghị là việc ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza cũng không được đề cập. Các chuyên gia cho rằng lí do là vì Tòa không có đủ thẩm quyền.

Theo đánh giá, việc toà yêu cầu Israel "thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn ngừa" các hành vi diệt chủng, sẽ gia tăng áp lực đối với Israel, trong việc ngăn ngừa thương vong đối với dân thường. Ngoài ra, các nước đang hỗ trợ cho Israel, cũng sẽ phải cân nhắc lại hành động của mình, khi có thể là bên thứ ba, gián tiếp dính líu đến các hành động có nguy cơ vi phạm công ước về diệt chủng. 

Các chuyên gia cho rằng phán quyết nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới Mỹ nhiều nhất, khi Washington đã duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán dành cho Israel cả song phương cũng như tại các tổ chức đa phương, kể từ khi xung đột bùng phát.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Q.T