Phát triển hạ tầng logistics đưa cảng Cái Mép - Thị Vải thành trung tâm trung chuyển quốc tế

So với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế hơn để phát triển dịch vụ logistics tầm cỡ quốc gia, quốc tế, và ngành logistics cũng đã được tỉnh xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế ở hiện tại lẫn giai đoạn tới. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khơi thông xứng tầm. Điểm nghẽn lớn nhất là giao thông kết nối và hạ tầng kho bãi, container còn hạn chế khiến dòng chảy hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cũng hạn chế.

Cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tại BR-VT đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 2 cảng đặc biệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải được ưu tiên đầu tư, trong đó có dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải để đón tàu trên 200.000 tấn, sức chở trên 18.000 TEU.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang xây dựng đề án phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ quốc tế gắn với trung tâm Logistics Cái Mép hạ, trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và khu thương mại tự do.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với trung tâm thương mại tự do, Bà Rịa – Vũng Tàu cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông kết nối, đặc bệt là hạ tầng logistics. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế đặc biệt thu hút nhà đầu tư, khách hàng.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho hệ thống cảng biển tại BR-VT, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị đưa ra chủ trương “hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy cụm cảng CM-TV.

Tỉnh BRVT cũng đang tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Và khi tổ hợp cảng nước sâu-sân bay quốc tế-trung tâm logistics-khu thương mại tư do hình thành càng tăng tính ưu việt và năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phạm Quyền