Nội dung then chốt trong tuyên bố chung của G20

Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô New Dehli, Ấn Độ, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được đồng thuận trong tuyên bố chung liên quan các vấn đề an ninh và phát triển toàn cầu, bất chấp những lo ngại trước đó về chia rẽ lập trường giữa các nước.

TUYÊN BỐ NEW DELHI CỦA G20

Theo giới quan sát, sự đồng thuận đã đến khá bất ngờ khi G20 vốn đang chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine, với việc các quốc gia phương Tây trước đó thúc đẩy việc lên án mạnh mẽ Nga trong Tuyên bố, trong khi các nước khác yêu cầu tập trung vào các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn.

XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE

Tuyên bố New Delhi tái khẳng định lo ngại về tình hình chiến sự Ukraine, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga. Thay vào đó, văn bản này kêu gọi "mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc", phản đối "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của nước khác". Bên cạnh đó, cách diễn đạt trong Tuyên bố cũng đưa ra một sự thỏa hiệp về mặt kỹ thuật mà Nga và những người đồng cấp phương Tây đều có thể chấp nhận.

Các nước G20 kêu gọi Nga và Ukraine cùng đảm bảo giao thương ngũ cốc, thực phẩm, phân bón từ hai nước để duy trì an ninh lương thực toàn cầu.

TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Tuyên bố Delhi kêu gọi tái định hình các thể chế tài chính toàn cầu để “thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng và duy trì sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô”. Tuyên bố cho rằng các nước đang phát triển nên được tiếp cận với một “hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, công bằng, cởi mở, toàn diện, công bằng, bền vững và minh bạch”.

CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ VỀ KHÍ HẬU

Tuyên bố kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận Paris cũng như mục tiêu về nhiệt độ”. Văn bản nêu rõ, việc đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức cao hơn hai độ so với mức tiền công nghiệp sẽ đòi hỏi “những hành động có ý nghĩa và hiệu quả”, bao gồm thuế carbon cao hơn, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần năng lượng than. Tuy nhiên, việc đạt được những mục tiêu này sẽ là một công việc tốn kém.

THẾ GIỚI ĐA CỰC

Mặc dù các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đều báo trước sự xuất hiện của một trật tự thế giới “đa cực”, nhưng Tuyên bố của G20 đã tránh đề cập đến thuật ngữ này. Thay vào đó, Tuyên bố Delhi kêu gọi cải cách tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc phải “có trách nhiệm với toàn bộ thành viên, trung thành với các mục đích thành lập và các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ và thích nghi để thực hiện nhiệm vụ của mình”. Tuyên bố kêu gọi “một chủ nghĩa đa phương toàn diện hơn và được tiếp thêm sinh lực” để “làm cho việc quản trị toàn cầu trở nên mang tính đại diện hơn”.

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bế mạc trong ngày hôm nay. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trao búa Chủ tịch G20 cho Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Brazil sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong thời gian 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/12/2023, với phương châm “xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Anh -

Thu Ngoan