Những dấu ấn "chưa có tiền lệ" trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội

Tuần làm việc thứ 3, cũng là tuần họp cuối trong đợt 1 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã kết thúc với nhiều nội dung quan trọng được triển khai. Cùng nhìn lại những dấu ấn quan trọng của đợt chất vấn này!

Dấu ấn đến từ rất nhiều đổi mới trong đợt chất vấn lần này được đánh giá là “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, đặc biệt với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ.

Trong 2,5 ngày, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn. 152 lượt đại biểu, nghĩa là tầm 1/3 số lượng đăng ký được thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được chất vấn và tranh luận. Những con số này phần nào thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao của các ĐBQH để mang những vấn đề nóng nhất của các cử tri đến nghị trường.

Dấu ấn của Chất vấn lần này cũng được nhắc tới với rất nhiều cái “Lần đầu tiên”. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn việc thực hiện 10 Nghị quyết của Quốc hội. Việc thực hiện lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong 4 lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính và kiểm toán Nhà nước, theo phương châm coi trọng “giám sát những vấn đề sau giám sát”. 

Và sức nóng đấy không chỉ ở nghị trường mà còn nóng lên các nền tảng số với sự tham gia của rất nhiều cử tri trẻ. 
 Thống kê nhanh dữ liệu lượt xem của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, chỉ tính trên các kênh số do Truyền hình Quốc hội Việt Nam quản lý, đến chiều 8/11, tổng lượt xem các nội dung chất vấn là: 11,5 triệu, cụ thể:
- Tổng lượt xem video: gần 10 triệu lượt
- Tổng lượt xem livestream trực tiếp hơn 1,5 triệu lượt 
Con số này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các cử tri trẻ với các vấn đề quan trọng của đất nước.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam