Nhìn ra thế giới: Gần 100% dân số toàn cầu hít thở không khí "bẩn" - Thế giới cần hành động mạnh mẽ và khẩn cấp

Trái Đất của chúng ta đang lâm vào tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Hệ quả là hơn 1 tỷ người đứng trước nguy cơ ngập lụt, 50% dân số thế giới sống trong “vùng nguy hiểm”vì biến đổi khí hậu.14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, gần 100% dân số toàn cầu phải hít thở không khí “bẩn”.

KHÍ THẢI TOÀN CẦU ĐẠT MỨC CAO NHẤT TRONG LỊCH SỬ

 Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong “vùng nguy hiểm” vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ông JIM SKEA, Chủ tịch nhóm làm việc của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu: “Hiện tại, thực tế là phát thải khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử loài người. Lượng phát thải năm 2019 cao hơn khoảng 12% so với năm 2010 và cao hơn 54% so với năm 1990. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn không đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C." 

Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Kết quả là: lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được hình dung trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ANTONIO GUTERRES: "Báo cáo này của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu là một lời cầu xin cho những hứa hẹn về khí hậu bị phá vỡ. Đó là một hồ sơ đáng xấu hổ, liệt kê những cam kết trống rỗng, giúp chúng ta vững bước hướng tới một thế giới không thể sống được. Chúng ta đang theo dõi nhanh thảm họa khí hậu: Các thành phố lớn dưới nước. Những đợt nắng nóng chưa từng có. Những cơn bão kinh hoàng. Tình trạng thiếu nước trên diện rộng. Sự tuyệt chủng của hàng triệu loài động thực vật. Đây không phải là hư cấu hay cường điệu. Đó là những gì khoa học cho chúng ta biết sẽ là kết quả từ các chính sách năng lượng hiện tại của chúng ta".

Tại thời điểm này, chỉ có việc cắt giảm lượng khí thải ở mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao thông đến năng lượng và các tòa nhà mới có thể xoay chuyển tình thế. Ngay cả khi đó chính phủ các nước cũng sẽ cần tăng cường nỗ lực trồng nhiều cây hơn và phát triển các công nghệ có thể loại bỏ một số khí carbon dioxide đã có trong khí quyển sau hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ANTONIO GUTERRES: “Lựa chọn của các quốc gia hiện nay sẽ hiện thực hóa, hoặc sẽ phá vỡ cam kết tăng nhiệt không quá 1,5 độ C. Việc chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ mang lại hy vọng cho hàng triệu người đang chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày nay. Những lời hứa và kế hoạch về khí hậu phải được biến thành hiện thực và hành động ngay bây giờ. Đã đến lúc ngừng đốt cháy hành tinh của chúng ta và bắt đầu đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo dồi dào quanh ta".

Theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì Trái Đất, vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua, sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược. Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định đây là trường hợp khẩn cấp về khí hậu.

 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ANTONIO GUTERRES : “Chúng ta đang trên con đường dẫn đến sự nóng lên toàn cầu, cao hơn gấp đôi giới hạn 1,5 độ C như đã thỏa thuận ở Paris. Một số nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đang nói một đằng, làm 1 nẻo. Và kết quả sẽ rất bi thảm. Đây là một trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng chúng ta đã ở rất gần các điểm tới hạn có thể dẫn đến các tác động khí hậu không thể đảo ngược. Nhưng các chính phủ và tập đoàn không những chỉ nhắm mắt làm ngơ; mà họ đang đổ thêm dầu vào lửa. Họ đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta, dựa trên những lợi ích và các khoản đầu tư của họ vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi các giải pháp tái tạo vẫn tồn tại với chi phí rẻ hơn, mang lại nhiều việc làm xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định giá cả hơn". 

Đáng nói là, kể từ khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu công bố báo cáo đầu tiên vào năm 2014, đến nay, mọi nguy cơ được cảnh báo đều xảy ra nhanh hơn dự tính. Đây chính là một lời cảnh báo tới thế giới rằng “ngôi nhà của họ đang bốc cháy".

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cho hoạt động phòng ngừa thảm họa và giảm thiểu nguy cơ thảm họa ở các nước dễ bị tổn thương. Các chính phủ cần ưu tiên vốn cho các hoạt động phòng ngừa thảm họa. Một yếu tố quan trọng khác là cần có kế hoạch phát triển dựa trên nguyên tắc đảm bảo khả năng chống chọi tốt với khí hậu, có hệ thống quản trị toàn diện lồng ghép hỗ trợ tài chính và hành động ở các cấp, các ngành, lĩnh vực và trong mọi khoảng thời gian có thể. 

99% DÂN SỐ TOÀN CẦU PHẢI HÍT THỞ KHÔNG KHÍ KHÔNG TRONG LÀNH

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới  cho biết, khoảng 99% dân số toàn cầu đang hít thở bầu không khí vượt quá giới hạn quy định chất lượng không khí của WHO, trong đó, người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình là những đối tượng phải chịu ô nhiễm nhiều nhất. Đây chính là hệ quả của việc gia tăng lượng khí thải toàn trong thập kỷ qua.

Bà MARIA NEIRA - Giám đốc Vụ Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Y tế thuộc WHO: "Tin xấu là khi chúng tôi xem xét tất cả những dữ liệu này, thì có tỷ lệ lớn, gần 100% dân số toàn cầu, vẫn đang hít thở không khí vượt quá tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới”

Bản báo cáo bao gồm dữ liệu về các chất ô nhiễm không khí như hạt vật chất và nitơ điôxít - cả hai đều được tìm thấy trong khí thải nhiên liệu hóa thạch và gây ra một số tình trạng về hô hấp và tim mạch trong những năm từ 2010 đến 2019 và bao phủ hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia. Ô nhiễm không khí khiến ít nhất 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. 

 Bà SOPHIE GUMY - Bộ phận biến đổi khí hậu và y tế của WHO: “Dựa trên kết quả giám sát, chất lượng không khí là kém nhất ở các khu vực cụ thể như khu vực Đông Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và cả châu Phi. Hầu hết trong số 7 triệu ca tử vong đến từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều đó không có nghĩa là các quốc gia có thu nhập cao không bị ảnh hưởng.”

Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí 2022 là cơ sở dữ liệu bao quát nhất về mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí trên mặt đất. Hơn 2.000 thành phố và khu định cư của con người hiện đang ghi lại dữ liệu giám sát mặt đất đối với vật chất dạng hạt, như PM10 hoặc PM2.5. Báo cáo mới nhất đã đánh dấu sự gia tăng gần 6 lần kể từ khi cơ sở dữ liệu được đưa ra vào năm 2011. Phát hiện này đã thúc đẩy WHO kêu gọi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và áp dụng các biện pháp cụ thể khác để giảm mức độ ô nhiễm không khí.

Các chất dạng hạt, đặc biệt là PM2.5, có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây rối loạn tim mạch, mạch máu não và hô hấp. Ngoài ra, nitơ điôxít cũng có liên quan đến các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn. Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính, hơn 13 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm là do các nguyên nhân môi trường có thể ngăn ngừa được, trong đó có bảy triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Bà SOPHIE GUMY-Bộ phận biến đổi khí hậu và y tế của WHO: "Cũng có sự khác biệt rất lớn giữa các nước thu nhập cao so với các nước thu nhập thấp và trung bình về vật chất dạng hạt. Đối với NO2, tình hình có vẻ hơi khác một chút khi ta nhận thấy ít có sự khác biệt giữa nhóm các nước có thu nhập trung bình, thấp và các nước thu nhập cao. Điều này cho thấy, NO2 vẫn là một vấn đề lớn, ngay cả đối với các nước thu nhập cao. NO2 là loại khí chủ yếu sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, thường liên quan đến các hoạt động giao thông vận tải. Vì vậy, đây thực sự là một dấu hiệu cho thấy các quốc gia vẫn cần phải làm việc và nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm phát thải NO2. "

Trong tuyên bố của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các vấn đề như giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao, an ninh năng lượng và sự cấp bách của việc giải quyết các thách thức kép về sức khỏe là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, đã làm nổi bật lên nhu cầu cấp bách phải tiến nhanh hơn tới một thế giới ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch.

Để đối phó với mức độ ô nhiễm không khí gia tăng, WHO đã sửa đổi giới hạn trung bình hàng năm đối với vật chất dạng hạt và nitơ điôxít vào năm ngoái, khiến chúng trở nên nghiêm ngặt hơn. Cơ sở dữ liệu mới nhất bao gồm các bước được đề xuất mà chính phủ có thể thực hiện để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm thực hiện các tiêu chuẩn khí thải xe cộ nghiêm ngặt hơn, cải thiện phương tiện giao thông công cộng và cắt giảm đốt chất thải nông nghiệp, v.v. 

TRUNG QUỐC NỖ LỰC TRỒNG CÂY ĐỂ GIẢM LƯỢNG KHÍ THẢI CARBON

 Nhằm đáp ứng lời kêu gọi toàn cầu về các nỗ lực đảm bảo khả năng chống chọi tốt đối với biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã và đang tăng cường nỗ lực trồng cây xanh trên toàn quốc. Từ năm 1979, Trung Quốc đã chỉ định ngày 12/0 là Ngày toàn quốc trồng cây. Năm 1981, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, đã phát động chiến dịch trồng cây tự nguyện trên toàn quốc, khuyến khích mỗi công dân trên 11 tuổi nên trồng từ ba đến năm cây mỗi năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của Trung Quốc rất chú trọng công tác trồng rừng. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham gia các hoạt động trồng cây trong 10 năm liên tục kể từ năm 2012.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: "Một trong những dấu ấn quan trọng cho một cuộc sống tốt đẹp là môi trường sinh thái tốt. Để làm cho Trung Quốc đẹp không có nghĩa là trang trí một cách hời hợt. Trung Quốc đẹp thực sự là một Trung Quốc khỏe mạnh."

Rừng có khả năng bảo tồn nước, mang lại lợi ích kinh tế, giúp thúc đẩy sản xuất ngũ cốc và cũng là một bể chứa carbon. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tất cả người dân Trung Quốc đóng vai trò là những người tham gia và thúc đẩy nỗ lực bảo tồn sinh thái. Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khái niệm "Làn nước trong xanh cùng những rặng núi xanh tốt là báu vật vô giá của quốc gia" và trở thành nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu trong nỗ lực bảo tồn sinh thái của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cam kết giảm lượng phát thải khí carbon dioxide cao nhất trước năm 2030 và đạt trạng thái trung hòa carbon trước năm 2060. Trung Quốc cũng cam kết thúc đẩy công tác chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế - xã hội, theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025) cùng các mục tiêu dài hạn đến năm 2035 với kế hoạch phát triển quốc gia mới nhất.

Trồng cây gây rừng đóng vai trò quan trọng trong việc biến những ý tưởng này thành hiện thực, vì rừng và đồng cỏ góp phần giúp hấp thụ và lưu trữ carbon dioxide từ khí quyển. Theo Sách Trắng về bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc được công bố vào tháng 10 năm ngoái, quốc gia này đã trải qua mức tăng trưởng tài nguyên rừng lớn nhất so với tất cả các quốc gia. Trong suốt 30 năm qua, độ che phủ rừng và trữ lượng rừng của Trung Quốc đều duy trì ở mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối năm 2020, diện tích rừng của Trung Quốc đạt 220 triệu ha, với tỷ lệ che phủ rừng là 23% và trữ lượng carbon rừng đạt 9,19 tỷ tấn.

Ông WANG HONGTAO- Kiểm lâm địa phương: "Có núi, sông, rừng được bảo vệ tốt, chúng ta càng có khả năng phát triển du lịch sinh thái, tiếp tục cải thiện môi trường và cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta cùng cố gắng để thúc đẩy nỗ lực xây dựng văn minh sinh thái”

Tổng cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia cho biết năm 2021, Trung Quốc đã trồng 3,6 triệu ha rừng và thực hiện chuyển đổi 380.800 ha đất nông nghiệp thành đất trồng rừng. Quốc gia này đã lên kế hoạch trồng 6,4 triệu ha cây và đồng cỏ trong năm nay.

 Ông YAO HONGWEI- Quan chức lâm nghiệp: "Giờ đây, các công nhân lâm nghiệp Đại Hưng đã chuyển đổi từ 'người chặt cây' thành 'người bảo vệ cây'. Đây là một thay đổi nhỏ đối với mỗi cá nhân, nhưng là một thay đổi lớn đối với hệ sinh thái của chúng ta. Cây cối càng phát triển, hệ sinh thái ngày càng tốt hơn ”.

Không chỉ khuyến khích nỗ lực trồng rừng, Trung Quốc cũng chú trọng phát triển những “mầm non” bảo tồn sinh thái trong toàn xã hội, đồng thời khuyến khích mọi cá nhân đóng góp cho sáng kiến Trung Quốc tươi đẹp.

 LI JING- Giáo viên tiểu học: "Là người làm công tác giáo dục, chúng tôi có nhiệm vụ trau dồi cho học sinh ý thức lao động, ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường ngay từ khi còn nhỏ, đó là những bài học đầu tiên trong đời của học sinh ”.

Với mục tiêu hỗ trợ phát huy tác dụng của bể chứa carbon trong ngành lâm nghiệp, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc gần đây đã cấp các khoản vay trị giá khoảng 114,1 tỷ NDT (khoảng 17,95 tỷ USD) để thúc đẩy phát triển các khu vực sinh thái chủ chốt như xây dựng rừng dự trữ quốc gia và cải thiện chất lượng rừng. Đây là một trong những ngân hàng chính sách hàng đầu của Trung Quốc, đã hỗ trợ phủ xanh rừng và duy trì các khu rừng có diện tích gần 4 triệu ha. Theo dự kiến, sau năm 2030 (rừng tại Trung Quốc) sẽ hấp thụ 72 triệu tấn carbon mỗi năm.

Ngoài việc trồng rừng, Trung Quốc cũng đang thực hiện các mục tiêu môi trường khác với việc giảm ô nhiễm và tiếp tục cải thiện chất lượng nước và không khí. Theo đó, tỷ lệ những ngày có chất lượng không khí tốt trong năm 2021 đã tăng lên 87,5%. Mật độ PM2.5 giảm 9,1%, xuống còn 30 microgam/m3.

Bùi Thảo