Nghệ nhân cồng chiêng truyền nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cồng chiêng được xem là thanh âm, linh thiêng trong đời sống sinh hoạt văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng cao Quảng Trị. Tuy nhiên, với sự tiếp cận, giao thoa văn hóa nhiều vùng miền, văn hóa cồng chiêng tại đây đang dần bị mai một.

Để góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo này, những lớp dạy cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống đã được mở ra. Ghi nhận tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Từ thanh niên cho đến bậc trung niên và cả những già làng lớn tuổi, họ đến đây để được học cách đánh cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Năm nay, đã ngoài 85 tuổi, già làng Hồ Cu Chảnh vẫn chơi thuần thục các nhạc cụ truyền thống và đặc biệt, ông luôn tích cực tham gia đứng lớp, dạy đánh cồng chiêng cho bà con dân bản khắp các bản làng ở huyện Hướng Hóa.

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hướng Hóa đã mở nhiều lớp tập đánh cồng chiêng và đã thu hút gần 300 học viên đến từ 20 xã, thị trấn. Tất cả các học viên là người dân tộc thiểu số Vân Kiều - Pa Cô. Một số địa phương đã thành lập được câu lạc bộ, mỗi câu lạc bố có tới gần 40 người tham gia chơi các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đánh được cồng chiêng.

Cồng chiêng mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là tiếng nói, là ước mơ, khát vọng, là niềm vui, nỗi buồn và đó cũng là thông điệp trao gửi giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với thế giới thần linh. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng đồng bào dân tộc là điều cần thiết.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam