Nga và các đối tác đẩy mạnh thanh toán bằng đồng nội tệ

Kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine khiến Nga phải hứng chịu “cơn bão” trừng phạt từ phương Tây, nước này đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó. Trong đó, “thanh toán bằng đồng rúp” được coi là một trong những bước đi quan trọng của Nga nhằm đáp trả lại các lệnh trừng phạt. Mới đây, Nga liên tục đạt được các thỏa thuận để đẩy mạnh thanh toán bằng đồng rúp và đồng nội tệ của đối tác.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

“Gazprom và các đối tác Trung Quốc đã nhất trí thanh toán tiền khí đốt bằng đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ theo tỷ lệ 50 – 50… Niềm tin vào đồng đô la, đồng euro và đồng bảng Anh, vốn là các loại tiền tệ để thanh toán, dự trữ và định giá tài sản đã suy yếu. Từng bước một, chúng ta đang tiến tới loại bỏ dần việc sử dụng các loại tiền tệ không đáng tin cậy.”

Đây là tuyên bố được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại Diễn dàn kinh tế phương Đông diễn ra tại thành phố Vladivostok đầu tháng 9 vừa qua. Trước đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận để bắt đầu chuyển sang thanh toán nguồn khí đốt mà Moskva cung cấp Trung Quốc bằng nhân dân tệ và đồng ruble của Nga thay vì USD.5905 - Tuần qua, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

“Thỏa thuận của chúng tôi về việc thanh toán 25% lượng khí đốt Nga cũng cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm có hiệu lực.”

Và mới đây nhất, vào hôm qua, Đại sứ Nga tại Ai Cập cho biết Moskva và Cairo đang xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giữa hai nước.Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các khách hàng châu Âu phải mở các tài khoản bằng đồng ruble ở ngân hàng Gazprombank và thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Những quốc gia từ chối điều khoản này đã bị cắt nguồn cung khí đốt.

Theo các chuyên gia, không chỉ Nga, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang có xu hướng giảm sử dụng đồng đô la Mỹ. Kể từ đầu năm nay, Ai Cập, Israel và một số nước Trung Đông đã áp dụng chiến lược đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, tiếp tục giảm tỉ trọng của đồng đô la Mỹ. Ngân hàng trung ương Ấn Độ gần đây công bố hệ thống thanh toán bằng đồng rupee cho thương mại quốc tế. Tất cả những yếu tố này đang thúc đẩy quá trình phi đô la hóa trên toàn cầu.

Ông JEFFREY SACHS

Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững, Đại học Columbia

Vai trò của đồng đô la đang giảm xuống. Điều đó có nghĩa là vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và địa chính trị sẽ giảm dần. Chúng ta đang chuyển sang một thế giới đa tiền tệ và đa cực.”

Và với cái bắt tay của Nga và Trung Quốc, hai quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, sự chuyển biến này được dự báo sẽ càng rõ ràng hơn trong thời gian tới.