Luật Đất đai (sửa đổi): Lấy dân làm gốc, đề cao cơ chế thị trường

Với Luật Đất đai (sửa đỏi), lần đầu tiên một dự thảo luật được xem xét trong 4 kỳ họp của Quốc hội. Và ngày 18/1/2024 đã đi vào lịch sử lập pháp của Quốc hội khóa 15 khi Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Dự án luật được xây dựng trên tinh thần: lấy người dân làm gốc, đề cao cơ chế thị trường, điều tiết các nhóm lợi ích theo hướng hài hoà, giảm thiểu tối đa sự chênh lệch.

Với 432 đại biểu tán thành, trên tổng số 477 đại biểu tham gia biểu quyết, tỷ lệ tán thành đạt 87,63%. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 trừ một số điều khoản đặc biệt.

Trong lần sửa luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi, sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá thị trường.

Theo luật mới thì việc tiếp cận đất đai sẽ được điều chỉnh theo hướng công khai, minh bạch. Cơ hội là công bằng và bình đẳng cho tất cả các đối tượng. Thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu, “phần thắng” sẽ dành cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả. Cơ chế mới sẽ giảm thiểu tối đa các quan hệ “xin – cho”.

Luật đất đai đã chính thức thông qua được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được tối đa các vướng mắc, tồn đọng gây tắc nghẽn cho thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua. Đồng thời, kiến tạo chu kỳ phát triển mới với một thị trường minh bạch, công bằng. Từ đó, khơi dậy nguồn lực tài nguyên đất đai cho phát triển đất nước.

THÔNG QUA LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI) 

Cùng với Luật đất đai (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trước khi thông qua cũng trải qua quy trình đặc biệt với 3 kỳ thảo luận. Đây là dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013. Sau kỳ họp thứ 5, thứ 6, tại kỳ họp bất thường lần này, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý với các nội dung tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng. 

Trở lại thời điểm thảo luận phiên toàn thể tại hội trường Quốc hội, một loạt các vấn đề nóng liên quan đến sở hữu chéo ngân hàng, vẫn tiếp tục được đặt ra. Biện pháp về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng, đặc biệt sau vụ việc ngân hàng SCB được nhiều đại biểu quan tâm.

Biện pháp can thiệp sớm đối với các tổ chức tín dụng yếu kém để đảm bảo kịp thời và không gây ảnh hưởng đến hệ thống cũng được thảo luận sôi nổi. 

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Sau phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tổ chức, cá nhân và có liên quan đều thấp xuống so với Luật các tổ chức tín dụng trước đây.

Thống nhất việc giới hạn cấp tín dụng, để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn.

Bên cạnh đó, đồng tình việc quy định các ngân hàng có lỗ lũy kế vượt quá 15% vốn điều lệ sẽ bị can thiệp sớm. Trong giai đoạn này, các ngân hàng phải tự giải quyết vấn đề của mình. Như vậy, sẽ không có chuyện sử dụng nguồn lực của Chính phủ hoặc của ngân hàng khác để giải quyết khó khăn của các ngân hàng khi có vấn đề.

Dự thảo Luật cũng được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nghiêm cấm việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%). Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản về xử lý nợ xấu sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. 

BỔ SUNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này là việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung 63.725 tỷ đồng cho 5 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng; An ninh; Quản lý nhà nước; Khoa học công nghệ; Giao thông.

Trong đó, số vốn dành cho lĩnh vực giao thông lớn nhất, gồm 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông trọng điểm quốc gia.

Chính phủ kiến nghị phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 37.303 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây cũng là nội dung được các đại biểu đề nghị nêu rõ việc sử dụng nguồn vốn cũng như chủ đầu tư dự án.

Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư hơn 4900 tỷ đồng, trong đó, vốn của EVN là hơn 2400 tỷ đồng, còn lại hơn 2500 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương. Thống nhất với chủ trương cấp vốn bổ sung cho dự án, các đại biểu Quốc hội đề nghị nêu rõ việc sử dụng nguồn vốn cũng như chủ đầu tư dự án.

Theo Chủ nhiệm UB Tài Chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, đây là dự án đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhưng do không kịp thời nên đã phải đưa vào nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đến nay, quá trình chuẩn bị đã hoàn tất, đủ căn cứ bố trí vốn đầu tư.

Riêng đối với số vốn 63.725 tỷ đồng bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công. Hiện có hơn 33.157 tỷ đồng phân bổ cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư. Với số vốn còn lại hơn 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư, tại kỳ họp này, Quốc hội chưa quyết định phân bổ cụ thể đối với số vốn này. Khi đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ giao vốn. UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ để tăng cường các nguồn lực như tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách hằng năm để bố trí đủ vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư cho các dự án.

Trong sáng 18/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,52%).

Chỉ trong 3,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã xem xét, thông qua nhiều vấn đề, dự án Luật đặc biệt quan trọng. Dù vậy, đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, nghiêm túc để các nội dung được thông qua thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Kết quả Kỳ họp này không chỉ có ý nghĩa trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vì dân. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội 14 của Đảng. Từ thành công của kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 15 cho đến nay, có thể thấy Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

 

Hằng Nga -

Văn Thắng -

Cao Hoàng