Góc nhìn hôm nay: "Cơn khát' làm thêm giờ thời Covid-19 và những lằn ranh đỏ

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì có rất nhiều giải pháp, trong đó có tăng giờ làm thêm. Nhưng, tăng giới hạn giờ làm thêm tối đa bao nhiêu để vừa đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động.

Dịch bệnh dù đã chuyển sang trạng thái hoàn toàn khác, với chiến lược hướng tới không coi Covid-19 là một đại dịch, nhưng khó khăn do tác động của dịch bệnh với doanh nghiệp vẫn rất lớn. Nhiều doạn nghiệp trải qua tình trạng có đến 80% người lao động phải cách ly do thuộc diện F0, F1 nên số lao động thực tế là rất thấp. Cộng thêm áp lực từ việc lao động chưa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch và nỗi ám ảnh dịch bệnh, không ít doanh nghiệp buộc phải giãn ca sản xuất hay tạm dừng dây chuyền do thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, điều chỉnh thời giờ làm thêm sẽ là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngưng việc vừa qua.

Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gốm sứ này phải giảm số người lao động dưới 20% trong khi vẫn phải đảm bảo đơn hàng, hợp đồng đã ký kết. Vì thế, sau khi dịch Covid 19 giảm nhiệt buộc đơn vị phải tăng hoạt động sản xuất lên gấp đôi và chắc chắn không tăng giờ làm thêm thì sẽ không đáp ứng được đơn hàng. Chính vì vậy, điều chỉnh thời giờ làm thêm được các doanh nghiệp xem là một trong những giải pháp “cứu cánh” trong giai đoạn phục hồi này.

Bà HÀ THỊ VINH, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Thiếu hụt lao động đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi là rất nghiêm trọng. Thấy rất là mừng bởi chỉnh phủ đưa ra đề xuất rất kịp thời bởi trong giai đoạn này do Covid chúng tôi bị thiếu hụt lao động đặc biệt doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi là rất khó khăn và đề bù đắp lại các đơn hàng đi cho kịp thời gian cho khách nước ngoài thì quyết định này là quyết định cứu cánh cho các doanh nghiệp.

Bà BÙI THỊ HẠNH HIẾU, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh: Chúng tôi cũng lao đao hầu như văn phòng chỉ có 1, 2 người đi làm hết người này bị người kia bị. Theo tôi lực lượng làm thêm rất đúng đắn, người nào có sức khỏe thì hỗ trợ, doanh nghiệp lúc này căng mình ra trong 2 năm giờ có việc thì không có lao động nên tăng giờ làm thêm là đúng đắn.

May mặc là ngành đặc thù, sản xuất phụ thuộc thời vụ và thời gian giao hàng; Mặc dù Bộ luật lao động đã quy định giờ làm thêm của ngành này cao hơn các ngành khác tối đa đến 40 giờ/tháng và 300 giờ/năm; Nhưng hơn lúc nào hết, doanh nghiệp mong mỏi được nới giới hạn giờ làm thêm, tạo điều kiện cho giai đoạn tăng gia sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác. 

Ông BẠCH THĂNG LONG, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Chúng tôi mong muốn dc linh hoạt chính sách trong giờ làm thêm chúng ta ko đc bó 40/tháng, mà nên nới rộng ít nhất không vượt quá 60 giờ/tháng, để các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các hợp đồng đã ký kết, đặc biệt trong tháng mùa vụ cao điểm. Tổng mức làm thêm trong năm chúng tôi đang được hưởng là 300 giờ thì nâng lên 400 giờ/năm.

Để tạo điều kiện linh hoạt trong sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động do Covid-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng. Việc thực hiện tăng giờ làm thêm nên giao cho doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận, tùy vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông HOÀNG QUANG PHÒNG, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam: Người lao động cũng như là mong muốn của người sử dụng lao động sẽ được thống nhất qua đàm phán, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, bằng các chế độ chính sách phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người lao động đối với việc nới rộng giờ làm thêm và cũng bảo đảm được yêu cầu sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động và năng lực chi trả của người sử dụng lao động. Tôi nghĩ rằng việc này thông qua đàm phán của hai bên sẽ giải quyết được vấn đề.

Ông ZHANG JIAN HUA, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Goertek Vina: "Vào những thời gian ít đơn hàng, công ty không cần công nhân tăng ca. Trong khi, nhiều thời điểm có nhiều đơn hàng cần gấp số thời gian tăng ca lại không đủ. Doanh nghiệp mong muốn có thể sử dụng số giờ làm thêm linh hoạt giữa các tháng, vì nếu khống chế giờ làm theo tháng, giờ làm thêm của tháng ít đơn hàng không thể chuyển sang tháng nhiều đơn hàng".

Các doanh nghiệp cũng cho biết đã có các phương án chuẩn bị để đảm bảo quyền lợi của người lao động nếu giờ làm thêm được điều chỉnh. Đồng thời mong muốn quyết sách này sớm thông qua và đi ngay vào cuộc sống./.

 Hiện nay, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời một số ngành, nghề, công việc như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản… được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. Tuy nhiên, bối cảnh thực tế đang đòi hỏi các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Vậy góc nhìn của các chuyên gia như thế nào, họ sẽ có bình luận gì về đề xuất này, sau đây chúng tôi sẽ kết nối điện thoại với ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hôị, Khoá XIV.

Mời Quý khán giả theo dõi trao đổi giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam với ông Bùi Sỹ Lợi.

Sau thời gian giãn cách, phong tỏa do đại dịch Covid-19 đang bùng nổ một cơn khát làm thêm giờ trong cả những người sử dụng lao động và chính những người lao động. Cả hai phía đều cố bù đắp thời gian gián đoạn sản xuất do đại dịch bằng cách làm thêm giờ. Tăng giờ làm thêm cũng đồng nghĩa với việc có điều kiện để tăng thu nhập, thêm nguồn lực trang trải chi phí cuộc sống, cũng vì thế phần lớn NLĐ đều muốn làm thêm giờ, nhất là sau những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra trong hơn hai năm vừa qua. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều yếu tố cần lưu ý, cân nhắc tính toán cho phù hợp đối với việc tăng giờ làm thêm này.

Quãng thời gian “chật vật” do giãn cách xã hội và cách ly đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người người lao động. Cũng vì thế qua khảo sát từ công đoàn cơ sở các doanh nghiệp cho thấy, hiện người lao động đều có mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập; đồng thời sẵn sàng tăng ca để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Chị PHẠM THỊ PHƯỢNG, Nhân viên Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội: Thời gian bị F0 mình nghỉ hơn 10 ngày ảnh hưởng đến thu nhập và tiến độ giao hàng của công ty. Khi sức khỏe bình phục mình cũng muốn đóng góp làm thêm để tăng thu nhập và hoàn thành kế hoạch cho công ty.

Anh NGUYỄN VĂN CƯƠNG, Nhân viên Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh: “Bản thân tôi cũng rất mong muốn mình đang làm việc và cống hiến, nếu Chính phủ những nới lỏng trong tăng giờ làm thêm tất cả cho người lao động tôi rất ủng hộ. Tăng giờ cần đảm bảo quyền lợi cho cho người lao động tăng ca sau những giờ làm việc chính.

Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cần lưu ý khi áp dụng đối với các lĩnh vực lao động có tính chất độc hại, nguy hiểm và hơn hết cần đảm bảo sức khoẻ để tái tạo lại sức lao động. 

Ông VŨ MINH TIẾN , Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Đối với một số ngành nghề công việc có tiếp xúc với yếu tố nguy hại hoặc yếu tố ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, phải khống chế với các ngành đó theo đúng quy định của luật. Nên nhấn mạnh thêm điều đó trong văn bản này.

Ông LƯƠNG DUY HOÀNG, Trưởng phòng khai thác Công ty CP dịch vụ cảng Hải Phòng:  Dịch vụ chúng tôi làm 24/24 , bất cứ thời gian nào khách hàng yêu cầu, chúng tôi phải đưa ra giải pháp logistic hiệu quả nhất. Tuy nhiên tăng giờ làm cũng nên ở mức độ vừa phải để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động  họ có đam mê với công việc thì họ sẽ cống hiến cho công ty được nhiều hơn.

Ngoài ra việc tăng giờ làm thêm phải dựa trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm yếu tố thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động cũng như môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUẢNG, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Làm thêm giờ, nguyên tắc có sự thỏa thuận của người lao động, nhiều người sử dụng lao động cho rằng thỏa thuận không quan trọng, nên có người lao động không làm thêm giờ bị kỷ luật. Trong thực tế, nhiều ng bị thỏa thuận trong điều kiện thu nhập không bảo đảm chính sách, chúng tôi lưu ý làm thêm giờ phải có thỏa thuận, phải tuân thủ các giới hạn để bảo đảm an toàn cho người lao động.

Tổ chức Lao động quốc tế cũng khuyến khích kéo dài thời gian làm thêm nhưng phải đảm bảo phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vì nếu người lao động tăng thu nhập mà ảnh hưởng sức khỏe thì không có ý nghĩa.

 Có thể thấy làm thêm giờ là nhu cầu có thật và rất cần thiết cho cả doanh nghiệp và người lao động vào lúc này. Tuy nhiên về bản chất, làm thêm giờ vẫn là kéo dài thời gian lao động, đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy doanh nghiệp cần quan tâm các yếu tố gì để đảm bảo sức khỏe và các điều kiện lao động lâu dài cho người lao động, Chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe những chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hôị, Khoá XIV.

Mời Quý khán giả theo dõi trao đổi giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam với ông Bùi Sỹ Lợi.

Như vậy, việc ban hành “quyết sách” đặc biệt về tăng giờ làm thêm trong tình hình như hiện nay được ví như “chiếc phao” có thể cứu được hàng trăm nghìn doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về nguồn lực nhân sự. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tăng giờ làm thêm chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, tạm thời trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra trong quãng thời gian này,  người sử dụng lao động cần quan tâm bảo đảm các điều kiện lao động, chăm lo cho người lao động để tránh các tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động. Sau đó, phải quay trở lại bình thường khi đã khắc phục được hết những khó khăn hiện nay, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 30 của Chính phủ. Cần tiếp tục thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019 vì vấn đề này được quy định và thảo luận rất kỹ lưỡng và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Theo dự kiến, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức nới trần làm thêm giờ được Chính phủ đề xuất, dù câu trả lời này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ nên là giải pháp tạm thời, cấp bách để giải quyết vấn đề ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. 

Đến đây chúng tôi xin kết thúc chương trình hôm nay. Cảm ơn quý vị và các bạn đã theo dõi. Hẹn gặp lại trong chương trình lần sau./.