• 1030 lượt xem
  • 15:43 13/11/2022
  • Văn hóa

Giữ gìn mạch nguồn di sản văn hiến Hán Nôm

Văn tự Hán Nôm có thể coi là di sản văn hiến của nước ta, là nơi cất chứa tri thức cha ông. Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng, hiện đại hóa và hòa nhập quốc tế đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ di sản này, cũng như đào tạo thế hệ trẻ tinh thông, đam mê để tiếp tục lan tỏa những giá trị dân tộc.

Chữ Hán được ông cha ta sử dụng qua nhiều nghìn năm lịch sử, các di sản văn tự đều ở thể loại Hán văn hoặc chữ Nôm. Những văn tự cổ điển hiện hữu tại nhiều nơi trong đời sống thường nhật như đền, chùa, đình, trên những câu đối, trên chữ nghĩa ngày Tết,…nhưng không phải ai cũng hiểu hết. Nếu không nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, giá trị truyền thống nghìn đời của dân tộc có nguy cơ bị đứt gãy.

Đối mặt với một xã hội bùng nổ về thông tin và xu hướng xã hội hóa, ngành Hán Nôm tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mới với sự cạnh tranh của các ngành đào tạo mang tính ứng dụng, dễ dàng hội nhập với xã hội hiện đại hơn. Ngành đào tạo vốn đã có phần “kén” người học nay càng rơi vào tình thế bị thu hẹp.

Vì số lượng người tham gia học tập còn hạn chế nên việc nghiên cứu, khai thác di sản Hán Nôm hiện nay vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu của đời sống văn hóa. Đây không chỉ là trách nhiệm của những người làm việc trong ngành đào tạo văn tự cổ điển này, mà còn cần có chính sách riêng cho những người làm công tác Hán - Nôm thì mới động viên được nhiều người đến với bộ môn này.

Tùng Dương