Giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí: Kiến nghị vấn đề ở tầm vĩ mô về chính sách, pháp luật và chỉ ra hạn chế cụ thể

Sáng 5/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Về phía cơ quan báo cáo có Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Đây là đơn vị đầu tiên Đoàn giám sát làm việc theo chuyên đề giám sát này để thực hiện theo Kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2022 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đây là 1 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, một chuyên đề khó, có phạm vi rộng, vì vậy đề nghị hội nghị cần bám vào Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9. Đồng thời nhấn mạnh, đây là đoàn giám sát tối cao ở tầm vĩ mô, kể cả về chính trị, quản lý đất nước, quản trị xã hội của cơ quan cấp chiến lược. Vì vậy, cần phải đánh giá một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kiến nghị những vấn đề ở tầm vĩ mô, về chính sách pháp luật nhưng đồng thời cũng chỉ ra được những lĩnh vực, địa phương cụ thể; tìm ra cách làm hay, sáng tạo để khuyến khích, biểu dương, thúc đẩy nhưng cũng phải chỉ ra những hạn chế, bất cập để kiến nghị đôn đốc tháo gỡ trong tổ chức thực hiện.

Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu bám sát vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật có liên quan trên 5 nội dung trọng tâm theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm: quản lý sử dụng NSNN, quản lý sử dụng vốn nhà nước khác, tài sản nhà nước, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, quản lý sử dụng tài nguyên) và 4 trọng điểm đột phá (gồm: đầu tư công, mua sắm chi tiêu công, cổ phần hóa, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai và tài nguyên khác).

Với tinh thần trách nhiệm cao, trao đổi thẳng thắn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát mong muốn nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu và cơ quan báo cáo, góp phần cho đoàn xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng như chuẩn bị làm việc với các bộ, ngành, địa phương còn lại.

Phát hiện vi phạm hơn 328.300 tỉ đồng về kinh tế

Ngay sau phần khai mạc, Đoàn giám sát đã nghe Tổng thanh tra Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2016-2021”, kết quả thanh tra công tác này và việc rà soát sơ bộ về Báo cáo.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2021, ngành thanh tra đã triển khai hơn 45.500 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 328.300 tỉ đồng và hơn 63.000ha đất; kiến nghị trách nhiệm của người đứng đầu về xử lí hành chính hơn 1.700 người, xử lý hình sự 50 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 295 vụ, 328 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. 

Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính và thể chế trên 1 số lĩnh vực (như: Quản lý tài chính, ngân sách, mua sắm công, thuế, đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản) vẫn còn khe hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, thất thoát lãng phí. 

Thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định; đồng thời quy định rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý cụ thể của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm.

Qua kết quả rà soát sơ bộ của Tổ công tác, Thanh tra Chính phủ báo cáo cơ bản đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tuy nhiên, trong quá trình tham mưu hoặc trực tiếp ban hành quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tổ chức thực hiện, như chưa ban hành đầy đủ; một số quyết định ban hành chậm. 

Nội dung báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, với một số lĩnh vực mới nêu chung, chưa có số liệu minh chứng, chưa đánh giá kết quả, làm rõ thông tin số liệu. Bên cạnh đó, kết quả báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra chưa đảm bảo yêu cầu đầy đủ, toàn diện trên phạm vi toàn quốc, còn thiếu thông tin của 12 bộ, ngành và 8 địa phương. Số liệu báo cáo về phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi - kết quả thực hiện kết luận thanh tra cho cả giai đoạn cần được rà soát để chuẩn hoá, đồng bộ.

Còn ít cuộc thanh tra chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Cho ý kiến tại buổi làm việc, liên quan đến việc cung cấp thông tin  xoay quanh vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí ở các bộ, ngành, địa phương cũng như việc thực hành tại chính đơn vị, các thành viên đoàn giám sát cho rằng việc thông tin cần chi tiết, cụ thể để có thể sử dụng trong xem xét, đánh giá cụ thể, chi tiết đến từng đơn vị, từng cuộc thanh tra. Những kết luận, kiến nghị thanh tra cũng chỉ phản ánh được số lượng chứ chưa cung cấp được thông tin chi tiết về nội dung của các kết luận, kiến nghị cụ thể, kết quả kiến nghị sửa đổi, huỷ bỏ hay bổ sung các văn bản pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng Thanh tra Chính phủ cần tập trung cung cấp các số liệu có thể đánh giá được tổng quan công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước. Trong kiến nghị, cần viện chứng rõ nội dung bất cập gắn với ví dụ thực tế. Đồng thời làm rõ trách nhiệm truy đến cùng việc nhận diện và kiến nghị xử lý vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác thanh tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG, Trưởng đoàn Giám sát: “Nguyên nhân nào các đồng chí nhận định thanh tra còn ít, phải lồng ghép nên kém hiệu quả nhưng chúng ta thấy rằng nếu đi nhiều cuộc thì lại lãng phí và ảnh hưởng. Nhiều bất cập, kẽ hở của chính sách pháp luật nhưng chưa chỉ ra được danh mục, có hàng chục nghìn kiến nghị, thì danh mục phải chỉ rõ, ví dụ về định mức tiêu chuẩn kỹ thuật thường làm tối đa… thì đây là kẽ hở.”

Một số ý kiến cho rằng hành vi lãng phí trong thực tế liên tục diễn ra, do đó đề nghị cần bổ sung chế tài xử phạt để tăng cường kỷ luật việc thực hành tiết kiệm nguồn lực nhà nước.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Chế tài cần quy định cụ thể hơn, ta hoàn thiện quy định như thế nhưng không thực hiện thì như thế nào? Ta chỉ có luật hình sự, tố tụng hình sự… các luật như này không quy định nếu không làm thì như thế nào? Cần phải nghiên cứu bổ sung chế tài nếu không thực hiện thì … sẽ phạt thế nào? Nếu không thì không đủ sức răn đe.”

Báo cáo cũng chỉ ra số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn ít, chủ yếu lồng ghép với thanh tra công tác quản lý  trên các lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản… Một số ý kiến cho rằng có những vụ việc chưa vi phạm pháp luật nhưng thấy rõ sự lãng phí, do đó cần tách bạch rõ phạm vi, đối tượng vi phạm pháp luật và hành vi lãng phí để đánh giá, đưa ra biện pháp cảnh báo, ngăn chặn.

Ông LÊ THANH VÂN, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Báo cáo việc tuân thủ pháp luật có giá trị trong phòng chống tham nhũng, còn chống lãng phí thì hàm lượng không cao. Đề nghị phải bóc tách ra. Đây mới chỉ nhấn mạnh đến việc vi phạm pháp luật, cơ bản bám sát nhưng mà thực hành tiết kiệm 8 lĩnh vực mà chúng ta loại lĩnh vực ở tư nhân. Giám sát phạm vi là thực hành tiết kiệm, chống lãng phi, mà hành vi là giảm tiêu hao … tiết kiệm… chứ về chấp hành pháp luật thì Thủ tướng Chính phủ đang tiếp cận ở vi phạm pháp luật.” 

Một số ý kiến cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ trách nhiệm truy đến cùng sự việc, bảo đảm thi hành nghiêm, dứt điểm các cuộc thanh tra, nhằm răn đe tham nhũng đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí.

Thanh Nga