Doanh nghiệp ngành dệt may vẫn dè dặt chuyển đổi xanh

Theo xu thế hiện nay, sản phẩm dệt may không chỉ phải đạt tiêu chí xanh, mà nhà máy sản xuất cũng phải đáp ứng các chứng chỉ xanh, sử dụng 15 - 20% nguyên liệu tái chế.

Sau giai đoạn bị giảm đơn hàng, ở thời điểm ngành dệt may phục hồi, nhiều doanh nghiệp dệt may khi chuyển đổi sang sản xuất xanh lại đối mặt với khó khăn: thiếu vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ; tái cơ cấu sản xuất, nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, đơn hàng vẫn chưa đều, nên nhiều doanh nghiệp dè dặt đầu tư chuyển đổi xanh.

Châu Âu là thị trường đặt ra tiêu chuẩn sản xuất xanh khắt khe nhất thế giới, từ nguyên liệu, công nghệ, lợi ích xã hội đến khả năng tái chế theo tiêu chuẩn Ecotech.

Hiện tỉ lệ sản phẩm của Việt Thắng Jean đạt chuẩn Ecotech khoảng 35% trong cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đơn hàng vẫn còn hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó về vốn đầu tư vào dây chuyền sản xuất xanh. 

Tầm nhìn đến 2050, “số hoá” và “xanh hoá” là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Trước áp lực xanh hóa sản xuất lẫn sản phẩm, cả nước đã có gần 50% doanh nghiệp dệt may chuyển đổi công nghệ, tái cơ cấu sản phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp dệt may cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để tiếp cận nguồn tín dụng xanh.

Dù kinh tế đang dần phục hồi, nhưng đơn hàng của ngành dệt may vẫn chưa nhiều, chưa đều. DN muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì hoạt động và phát triển bền vững phải thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất giảm phát thải. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của DN, không thể thiếu chính sách hỗ trợ từ chính phủ, các bộ, ngành và từng địa phương. Đây cũng là cách chính phủ Việt Nam hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại COP26.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phạm Quyền