Doanh nghiệp du lịch TPHCM gặp khó sau dịch

Sau hơn 2 năm đóng băng vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch đang hồi sinh khi nhu cầu của người dân tăng cao trong những tháng hè. Tuy nhiên, cơ hội này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó trong giai đoạn phục hồi sau dịch.

Sau hơn 2 năm không được đi du lịch, nay chị Hiền quyết định đi chơi xa cùng gia đình trước khi các con của chị bắt đầu năm học mới. Những sản phẩm du lịch mới mang tính trải nghiệm được gia đình chị ưu tiên chọn lựa.

Chị PHAN THỊ HIỀN - Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh: "Bây giờ, chúng mình rất thích đi tiếp xúc với thiên nhiên, như đi du thuyền, Sapa hay Lào Cai để mình xem những cảnh thiên nhiên đó thứ nhất là cho bản thân mình. Thứ hai cho gia đình con cái nữa vì quá lâu không đi rồi cho nên muốn cho các con tiếp xúc với thiên nhiên nhiều”.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty lữ hành sẵn sàng kế hoạch phát triển mở rộng để phục hồi ngành nhưng bài toán về vốn khiến các đơn vị này rơi vào bế tắc. Nguồn vốn của doanh nghiệp có hạn nhưng việc tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất 2% như Nghị định 31 của Chính phủ thì rất khó. Điển hình như đơn vị chủ đầu tư loại hình xe buýt 2 tầng cho biết, đang cần khoảng 30 tỷ đồng để mở rộng đầu tư kinh doanh nhưng chưa có cách tháo gỡ.

Ông NGUYỄN KHOA LUÂN – Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam: “Khó ở chỗ yêu cầu của các ngân hàng rất là khắt khe. Cụ thể doanh nghiệp phải có lãi trong 3 năm nhưng 3 năm dịch bệnh thì làm sao có lãi? Hầu hết các ngân hàng có lãi suất tốt thì họ nói rằng hết room tín dụng, ngân hàng cho được room tín dụng thì lãi suất rất cao. Đẩy rủi ro cho doanh nghiệp rất là lớn”.

Khó tiếp cận với nguồn vốn vay, các doanh nghiệp du lịch phải tự xoay sở trong xây dựng các chương trình, sản phẩm mới. Đến nay, dù Việt Nam đã mở cửa sớm hơn so với một số nước nhưng thủ tục visa vào nước ta đang gây khó khăn cho người nước ngoài nhập cảnh. Đây chính là rào cản đối với khôi phục du lịch, đặc biệt là thị trường khách Inbound.

Chị CHUNG THÚY CHÂU - Giám đốc Kinh doanh Công ty Du lịch Việt: “E-visa khi mình làm vẫn chưa có một dateline (thời hạn) cụ thể, chính xác từ lúc mình nộp đến bao lâu thì có kết quả visa cho khách. Và những đối tượng nào được cấp như thế nào thì vẫn còn mơ hồ, dẫn đến có nhiều khách hàng khi mình nhận cũng rất là e dè. Những thủ tục cho khách miễn thị thực cũng có sự thay đổi so với trước”.

Để ngành du lịch sớm phục hồi và hoàn thành mục tiêu như kỳ vọng, rất cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn và thủ tục visa thông thoáng. Có như vậy, doanh nghiệp du lịch phục hồi tích cực, bền vững và ngành du lịch mới trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đây.

Phạm Tiến