Điểm tin quốc tế tối 23/3: Tìm thấy hộp đen máy bay Boeing 737 gặp nạn tại Trung Quốc

Lực lượng chức năng Trung Quốc tìm thấy hộp đen chiếc máy bay gặp nạn ngày 21/3; Ủy ban châu Âu khai trương cổng thông tin trực tuyến hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học sơ tán khỏi Ukraine; Tòa án Anh ra phán quyết mới về vụ án 39 người Việt thiệt mạng trong xe đông lạnh; Thái Lan thông qua Dự án phát triển thành phố thông minh; công bố chất lượng không khí các quốc gia...là những tin tức nổi bật

Chiều nay 23/3, lực lượng chức năng Trung Quốc đã tìm thấy hộp đen chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern Airlinesgặp nạn tại Quảng Tây hôm 21/3.

Việc tìm thấy hộp đen ghi lại các thông tin và dữ liệu chuyến bay có thể giúp các cơ quan điều tra làm rõ xem điều gì đã xảy ra trước khi chuyến bay chở khách này gặp sự cố và lao thẳng xuống khu vực đồi núi ở thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây. Tính đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy người nào sống sót. 

Công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục được tiến hành với sự tham gia của hơn 2.000 người. Lực lượng cứu hộ đã phải sử dụng máy bay không người lái, chó nghiệp vụ để rà soát địa điểm máy bay rơi với những mảnh vỡ trải khắp các sườn núi dốc trong rừng rậm.

EC: CỔNG THÔNG TIN TRỰC TUYẾN HỖ TRỢ CÁC NHÀ KHOA HỌC SƠ TÁN KHỎI UKRAINE

Ủy ban châu Âu (EC) đã khai trương cổng thông tin trực tuyến ERA4Ukraine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu khoa học sơ tán khỏi Ukraine định cư tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Cổng thông tin trực tuyến vốn đã được hoạt động từ trước để hỗ trợ các nhà nghiên cứu bằng cách liên kết với hơn 600 trung tâm và 43 cổng thông tin quốc gia ở các quốc gia thành viên EU và các quốc gia liên kết với chương trình nghiên cứu Horizon Europe của EU. 

Liên quan đến công tác hỗ trợ người sơ tán khỏi Ukraine, dự kiến trong ngày 23/3, EC sẽ công bố kế hoạch để đảm bảo những người sơ tán khỏi Ukraine có quyền tiếp cận việc làm, giáo dục và nhà ở, đặc biệt tập trung vào trẻ em. Phó Chủ tịch EC, ông Maros Sefcovic cho biết gần 3,4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, từ Ukraine đã đến EU. Các nước EU có thể tiếp cận 10 tỷ euro từ quỹ ứng phó khủng hoảng hiện có để hỗ trợ những người sơ tán.

TÒA ÁN ANH RA PHÁN QUYẾT MỚI NHẤT LIÊN QUAN TỚI VỤ 39 NGƯỜI VIỆT TỬ VONG TRONG XE ĐÔNG LẠNH

Hãng thông tấn AFP đưa tin, một tòa án tại Anh đã kết án Stefan Dragos Damian, công dân Rumani 28 tuổi, 3 năm 10 tháng tù sau khi đối tượng này nhận tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.

Cơ quan công tố Crown - cơ quan xử lý các vụ truy tố ở Anh và xứ Wales – cho biết thêm tên Damian bị xét xử nhờ kết quả của một cuộc điều tra liên ngành, trong đó có sự phối hợp của Cơ quan Tội phạm Quốc gia, cảnh sát Essex, Bộ Nội vụ Anh cùng các lực lượng thực thi pháp luật ở khắp châu Âu. 

Giới chức Anh xác định Damian là một thành viên chủ chốt của đường dây buôn người nói trên và tên này đã chạy trốn khỏi Anh ngay sau khi vụ 39 người tử vong trong xe tải bị phát giác. Cảnh sát Italia đã bắt Damian vào tháng 5/2021 tại Milan sau nhiều tháng đối tượng này lẩn trốn lệnh truy nã. Hắn đã bị dẫn độ sang Anh vào tháng 9 năm ngoái.

THÁI LAN THÔNG QUA DỰ ÁN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ THÔNG MINH TRONG HÀNH LANG KINH TẾ PHÍA ĐÔNG

Chính phủ Thái Lan đã thông qua Dự án phát triển thành phố thông minh - dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thứ năm trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), với tổng giá trị đầu tư khoảng 40 tỷ USD trong 10 năm tới. Hành lang Kinh tế phía Đông là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của chính phủ Thái Lan với mục tiêu xây dựng khu vực phía Đông Thái Lan thành trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ, được kết nối với các nước láng giềng ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không.

Thành phố thông minh mới này sẽ được xây dựng trên khu vực có diện tích khoảng 24 km2, chủ yếu thuộc quận Bang Lamung, tỉnh Chon Buri, cách sân bay Utapao 15km. Theo thiết kế, ngoài các khu chung cư, nhiều cơ quan chính phủ, trung tâm tài chính, cụm công nghiệp kỹ thuật số, dịch vụ hậu cần… sẽ được xây dựng nhằm tạo ra 200.000 việc làm mới, đóng góp khoảng 60 tỷ USD cho nền kinh tế trị trong 10 năm tới và khoản doanh thu 84 triệu USD cho chính phủ trong 50 năm tới. Dự án mới này cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm 1,5 triệu người đến sống ở 3 tỉnh nằm trong khu vực này gồm Rayong, Chon Buri và Chachoengsao.

KHÔNG QUỐC GIA NÀO ĐẠT TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ CỦA WHO NĂM 2021

Không có quốc gia nào đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức y tế thế giới WHO. Đây là kết quả khảo sát về dữ liệu ô nhiễm không khí ở 6.475 thành phố, và khói mù thậm chí còn bùng phát trở lại ở một số khu vực sau khi dịch COVID-19 dịu đi.

Dữ liệu cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí tổng thể của Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021 và New Delhi vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Bangladesh là quốc gia ô nhiễm nhất, giống như năm trước đó, trong khi Cộng hòa Chad xếp thứ hai sau khi dữ liệu của các quốc gia châu Phi lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.

Hotan ở khu vực Tây Bắc Tân Cương là thành phố có chất lượng không khí kém nhất ở Trung Quốc, với chỉ số PM2.5 trung bình lên tới hơn100 microgam/m3, phần lớn do bão cát gây ra. WHO khuyến cáo rằng, chỉ số các hạt nhỏ và nguy hiểm trong không khí trung bình hàng năm (còn được gọi là PM2.5) không được nhiều hơn 5 microgam/m3 sau khi thay đổi hướng dẫn vào năm 2021, ngay cả PM2.5 nồng độ thấp cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể./.