Điểm báo: Xuyên Tết đưa các dự án trọng điểm sớm về đích

Xuyên Tết đưa các dự án trọng điểm sớm về đích; Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công vẫn cần phải cải thiện; Công khai cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng; Cà phê việt “vẽ” lại thị trường thế giới… Là những tin có trong điểm báo sáng 2/2.

XUYÊN TẾT ĐƯA CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM SỚM VỀ ĐÍCH

Trong lúc nhà nhà đang tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì trên các công trường giao thông trọng điểm, không khí lao động vẫn vô cùng sôi động và khẩn trương. Tất cả đều sẵn sàng làm việc xuyên Tết. Điều này cho thấy nỗ lực, quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị,  phát huy đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, phong trào thi đua thi công xuyên Tết đã diễn ra sôi nổi trên hầu khắp các công trường. Điển hình nhất là tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Vào những ngày giáp Tết, không khí làm việc trên tất cả các công trường của “siêu dự án” này vẫn vô cùng tích cực và khẩn trương. Tinh thần" 3 ca 4 kíp", "vượt nắng thắng mưa" đang được lan tỏa trên khắp các công trình giao thông trọng điểm với quyết tâm nâng hệ thống cao tốc của cả nước lên 3.000km vào năm 2025. Phần lớn các đơn vị đều cam kết duy trì ít nhất 50% nhân lực, máy móc thiết bị ở lại thi công xuyên Tết. Tất cả đều hướng tới mục tiêu hoàn thiện sớm nhất hệ thống đường bộ hiện đại, xuyên suốt trên cả nước.

VIỆC PHÂN BỔ CHI TIẾT VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VẪN CẦN PHẢI CẢI THIỆN

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về công tác kiểm tra phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, ngành, địa phương. Thông tin đáng chú ý trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, kỷ cương, kỷ luật chấp hành pháp luật về NSNN còn chưa được đề cao. Theo đó, còn nhiều trường hợp các bộ, ngành bố trí vốn cho các dự án khởi công mới khi chưa ưu tiên cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp; thời gian gửi, thể thức và nội dung các công văn phân bổ gửi Bộ Tài chính còn chậm và chưa chính xác. Đáng chú ý, Có 3 địa phương chưa phân bổ đạt mức bố trí vốn tối thiểu 1.017 tỷ đồng là Hà Giang, Lai Châu và Khánh Hòa. Tại một số bộ (Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) còn tình trạng giao vốn cho các chủ đầu tư không trực thuộc bộ.

CÔNG KHAI CƠ SỞ KINH DOANH THỰC PHẨM VI PHẠM ĐỂ CẢNH BÁO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Công khai cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng của TP.HCM tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra hàm lượng chất bảo quản đối với thuỷ hải sản, lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau củ quả… Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, có hành vi tái diễn, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có biện pháp xử lý tùy theo mức độ như: đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công khai trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người tiêu dùng.

CÀ PHÊ VIỆT “VẼ” LẠI THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm. Có thể nói mặt hàng tỉ USD của Việt Nam đang bước sang một trang sử mới.

Theo báo Thanh niên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều có chung nhận định: Giá cà phê có khả năng tiếp tục tăng. Nhìn vào số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt tới 210.000 tấn, tăng tới 48% về lượng; kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023.  Lý do là nhu cầu cà phê thế giới tiếp tục tăng; căng thẳng trên biển Đỏ khiến cước tàu biển và thời gian giao hàng kéo dài; hạn hán ở nhiều nơi... đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới tăng không điểm dừng trong tháng đầu tiên của năm 2024.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam