Điểm báo: Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online

Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn 'chưa thuyết phục'; Ôm trái đắng khi đổi tiền lẻ online; Thưởng tết - không chỉ ở con số; Kinh doanh theo "trend", nguy cơ "sớm nở tối tàn";... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 1/2.

ĐỀ XUẤT XỬ LÝ HÌNH SỰ TÀI XẾ CÓ NỒNG ĐỘ CỒN 'CHƯA THUYẾT PHỤC'

Mới đây, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Trần Hữu Minh có đưa ra đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bài viết trên báo điện tử VnExpress. 

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất này khó đảm bảo cơ sở pháp lý và không khả thi. Theo VnExpress,  Hiện nay chưa có cơ sở khoa học vững chắc khẳng định một mức nồng độ cồn cụ thể có thể khiến người điều khiển xe gây tai nạn. Trong khi đó, luật hóa nội dung này phải dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng để đảm bảo khả thi. Trên thực tế, nếu chưa gây thiệt hại về người, tài sản thì chưa thể có đủ căn cứ, cơ sở để xử lý hình sự. Do vậy, cần nghiên cứu rất kỹ việc này. Không thể dùng từ "có thể" để làm căn cứ xử lý hình sự.    

ÔM TRÁI ĐẮNG KHI ĐỔI TIỀN LẺ ONLINE

Việc đổi tiền lẻ với những tờ tiền mới, gắn với phong tục lì xì lấy may, hay các hoạt động bố thí, cúng dường trong mùa lễ hội đầu năm. Và trong những ngày cận tết, không quá khó để tìm thấy các dịch vụ này trên MXH.

Đến hẹn lại lên, càng đến gần Tết Nguyên đán thì dịch vụ đổi tiền lẻ càng sôi động trên chợ mạng. Dù được coi là hành vi trái pháp luật nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên rao đổi tiền lẻ trên mạng để kiếm lời. Bài viết trên báo Công an nhân dân.

Đặc điểm của hoạt động đổi tiền online là thường giao dịch qua mạng xã hội. Khách hàng muốn đổi tiền có thể chuyển khoản từ 30 - 50% tổng số tiền cần đổi, cung cấp địa chỉ, sẽ có người đến tận nơi giao tiền mới. Theo báo Công an Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị “bùng” tiền đặt cọc, hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.    

THƯỞNG TẾT - KHÔNG CHỈ Ở CON SỐ

Câu chuyện thưởng Tết cứ “đến hẹn lại lên” và luôn là đề tài nóng trong những ngày Tết đến, Xuân về. Báo Kinh tế và đô thị có bài viết “Thưởng Tết - không chỉ ở con số”.    

Dù việc thưởng Tết cho người lao động không có quy định bắt buộc, nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, DN tại Việt Nam. Thực tế năm nay, mặt bằng chung cho thấy, mức thưởng cũng dao động từ khoảng từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng/người tùy từng đơn vị. Theo Kinh tế và đô thị, Từ câu chuyện thưởng Tết, không chỉ dừng ở con số ít hay nhiều, mà việc chăm lo tốt cho người lao động dịp Tết sẽ khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của tổ chức công đoàn và tạo sự gắn kết mật thiết giữa các bên. Sự sẻ chia từ hai phía sẽ giúp tạo ra sự gắn bó lâu dài, tích cực, thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững hơn.    

KINH DOANH THEO "TREND", NGUY CƠ "SỚM NỞ TỐI TÀN"

Cà phê muối, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai... là một vài trong số nhiều món ăn gây chú ý trong năm 2023. Tuy nhiên, không ít cửa tiệm kinh doanh món ăn theo trend rơi vào cảnh lao đao, ''sớm nở tối tàn''. Bài viết trên báo điện tử VTV.

Trong số các trend này, chỉ có số ít tồn tại được theo thời gian. Theo VTV, Với nhu cầu tăng đột biến, nhiều người trẻ cho rằng đó là cơ hội để kinh doanh. Họ dốc vốn để bắt trend, chạy theo trend, nhưng vì là xu hướng, những món ăn này chỉ nở rộ một thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng hết thời để nhường chỗ cho những ẩm thực mới. Nếu kinh doanh là một ván cờ, thì những đồ ăn theo trend không khác gì những quân cờ, có người thắng và có kẻ thua. Và khi doanh số giảm quá nửa chỉ trong thời gian ngắn, không ít người kinh doanh theo trào lưu đã vỡ mộng.