Điểm báo ngày 7/11: Thị trường xăng, dầu: Bao giờ mới ổn định trở lại?

Thị trường xăng, dầu: Bao giờ mới ổn định trở lại?; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp “căng mình” tuyển sinh cho năm học mới; Thiếu trường học, chờ đến bao giờ?; Bỗng dưng nhận được tiền, cẩn thận tài khoản bốc hơi... là hhững nội dung đáng chú ý trong mục điểm báo sáng nay 7/11.

THỊ TRƯỜNG XĂNG, DẦU: BAO GIỜ MỚI ỔN ĐỊNH TRỞ LẠI?

Tình trạng thiếu xăng dầu xảy ra nhiều ngày qua tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam đã làm xáo trộn đời sống của người dân. Đáng nói, cho đến thời điểm này, các cơ quan quản lý vẫn đau đầu với bài toán bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Nêu quan điểm về đảm bảo nguồn cung xăng dầu này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Nguồn gốc của vấn đề nằm ở cách điều hành của cơ quan quản lý. Điều cần làm bây giờ là cùng với kiểm soát, cơ quan quản lý cần lắng nghe và gỡ khó cho doanh nghiệp, tính đúng và tính đủ các chi phí để doanh nghiệp có thể vận hành, tìm giải pháp để cửa hàng bán lẻ có lãi hoặc ít nhất đủ chi phí vận hành vì không ai có thể gánh lỗ mãi.

CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP “CĂNG MÌNH” TUYỂN SINH CHO NĂM HỌC MỚI

Kết thúc tháng 10/2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã và đẩy mạnh tuyển sinh. Tuy nhiên, ngoài một số trường top đầu ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng đang đối mặt với những khó khăn lớn trong tuyển sinh. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo bài viết, mặc dù tâm lý cộng đồng, người dân, xã hội về học nghề đã thay đổi nhiều tuy vậy hoạt động tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, Để tuyển sinh được, ngoài việc các trường nâng cao chất lượng đào tạo, thì việc đầu tiên cần làm là có những cam kết rõ ràng về việc làm, thu nhập cho sinh viên, học sinh sau khi ra trường. Thực tế nhiều trường nghề sau khi có các cam kết mạnh mẽ về tạo việc làm, với mức lương ổn định thì đều làm tăng niềm tin của học sinh. Đây là điều kiện giúp học sinh đăng ký theo học

THIẾU TRƯỜNG HỌC, CHỜ ĐẾN BAO GIỜ?

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (chiếm 63%). Đặc biệt là thiếu hạ tầng xã hội như sân chơi, vườn hoa, trường học, bệnh viện trong khu đô thị đã kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Theo bài viết trên báo Đại Đoàn Kết, nhiều khu đô thị tại Hà Nội đang có không ít khu đất bị bỏ hoang. Nhất là ở các quận lõi, các khu đất được quy hoạch để xây trường nhưng chủ đầu tư nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp hoặc chậm triển khai gây quá tải cho các trường công lập được xây dựng trước đó. Có thể thấy, chủ đầu tư đã “bỏ quên” trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học. Câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp được mang ra “mổ xẻ”, người dân kiến nghị, rồi chính quyền họp bàn nêu giải pháp, nhưng rồi đâu lại vào đó và cuối cùng là những khu đất để xây trường vẫn “ngủ yên”.

BỖNG DƯNG NHẬN ĐƯỢC TIỀN, CẨN THẬN TÀI KHOẢN BỐC HƠI

Trò chuyển tiền nhầm rồi nhờ chuyển lại để móc sạch tài khoản của chủ thẻ đang được kẻ gian tận dụng tối đa nhằm lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Một loạt nhà băng đang cảnh báo khách hàng cảnh giác trước các chiêu trò này. Bài viết trên báo Thanh niên.

Theo bài viết, thủ đoạn lừa đảo chuyển nhầm tiền rồi yêu cầu người nhận trả lãi cao thường nhắm vào những người nhẹ dạ, cả tin. Theo đó, kẻ gian sẽ chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản người dùng. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ chủ tài khoản yêu cầu trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với mức lãi suất rất cao. Các ngân hàng khuyến cáo, Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân; không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website chưa xác thực. Đồng thời không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác…

LƯƠNG CHƯA TĂNG, GIÁO VIÊN LO GIÁ CẢ “NHANH  CHÂN CHẠY TRƯỚC

Bên cạnh hy vọng được tăng lương cơ sở từ trước Tết Nguyên đán 2023, nhiều giáo viên mong mỏi có các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Trên báo Lao Động có bài viết: "Lương chưa tăng, giáo viên lo giá cả “nhanh chân chạy trước”".

Chia sẻ của một số giáo viên cho rằng, việc tăng lương cơ sở cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả tăng vọt như hiện nay.

Tăng lương sớm cho cán bộ công chức, viên chức sẽ tạo sự động viên rất lớn, giúp họ hăng hái và nâng cao tinh thần làm việc. Tăng lương trước Tết cũng là món quà lớn, giúp người lao động. Các giáo viên này cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề giá cả leo thang, hy vọng các bộ ban ngành có chính sách bình ổn giá để những người có thu nhập thấp giảm bớt khó khăn.