Điểm báo: Lương tối thiểu vùng 2024: Thế nào là hợp lý?

Lương tối thiểu vùng 2024: Thế nào là hợp lý?; "Đất vàng", "đất kim cương" phải dành suất cho nhà ở xã hội là cứng nhắc; Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9 tỷ USD; Cao điểm hè chưa qua, vé máy bay đã ế;... là những tin tức đáng chú ý sáng 9/8.

LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG 2024: THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ?

Lương tối thiểu vùng tăng hay giữ nguyên vẫn là ẩn số trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn. Làm gì để doanh nghiệp không khó khăn thêm khi tăng lương cho công nhân, đó là vấn đề đã và đang được đặt ra.

Báo Đại đoàn kết trích dẫn ý kiến của TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐTB&XH), hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp vẫn giữ vững sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển nên cần tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động bằng mức tăng năm 2022 là 6%. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ, khoảng 30% doanh nghiệp gặp khó khăn vì không có đơn hàng hoặc bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc làm; nếu tăng lương tối thiểu thì công ty gặp khó, có thể dẫn đến chấm dứt hợp đồng với người lao động. Cho nên, đối với những doanh nghiệp khó khăn, không có nguồn để tăng lương tối thiểu vùng thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ.

"ĐẤT VÀNG", "ĐẤT KIM CƯƠNG" PHẢI DÀNH SUẤT CHO NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ CỨNG NHẮC

"Đất vàng", "đất kim cương" phải dành suất cho nhà ở xã hội là cứng nhắc. Bài viết đáng chú ý trên báo Lao động. 

Theo một số chuyên gia,  Điều 80 của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải bố trí quỹ đất 20% nhà ở xã hội có phần cứng nhắc. Bởi, với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, giá trị quỹ đất tại đô thị rất cao, đó là "đất vàng", "đất kim cương" thì địa phương có thể quyết định không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Thay vào đó, các tỉnh thành sẽ dành 100% quỹ "đất vàng" đó cho mục tiêu phát triển dự án nhà ở thương mại. Tiền sử dụng đất thu được sẽ dành để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo lập quỹ đất nhà ở xã hội tại vùng ven đô thị, nơi có giá đất không quá cao nhưng vẫn gắn liền với cơ hội việc làm cho người dân là khách hàng mua nhà ở xã hội.

KỲ VỌNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN NĂM 2023 ĐẠT KHOẢNG 9 TỶ USD

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính chung 7 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD. 

Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, các yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm như, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm; nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định; ngoài ra các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác. Với kịch bản thuận lợi đó, Xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD, giảm 15% - 16% so với năm 2022.

CAO ĐIỂM HÈ CHƯA QUA, VÉ MÁY BAY ĐÃ Ế

Trái với năm 2022, cao điểm hè năm nay đánh dấu sự đi xuống rõ rệt của thị trường vé máy bay. Ngay khi cao điểm hè chưa đi qua, nhiều hãng bay đã phải giảm mạnh giá vé để kích cầu. Bài viết trên  báo Kinh tế và đô thị. 

Theo Vietnam Airlines, giá vé nội địa bình quân của hãng trong tháng 6/2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Xét chung cả ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO, giá vé nội địa bình quân tháng 6 cũng đã giảm 6,6% so với cùng kỳ. Trong bài viết, Giá vé máy bay nội địa thời gian qua "nhảy múa" là hiện tượng bất bình thường. Đây là sai lầm của các hãng hàng không khi tăng giá quá cao lúc thị trường có nhu cầu, dẫn đến thị trường phản ứng. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá vé máy bay cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp, hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam