Điểm báo 6/1: Thay đổi cách quản lý phố đi bộ - Đặt giá trị văn hóa lên trên giá trị kinh tế

Thay đổi cách quản lý phố đi bộ: Đặt giá trị văn hóa lên trên giá trị kinh tế; Tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với thuốc lá; Đào tạo nghề theo địa chỉ: giải bài toán “bấp bênh” nguồn nhân lực; Cuối năm, tín dụng đen càng “vây bủa” công nhân lao động;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 6/1.

THAY ĐỔI CÁCH QUẢN LÝ PHỐ ĐI BỘ: ĐẶT GIÁ TRỊ VĂN HÓA LÊN TRÊN GIÁ TRỊ KINH TẾ

Sau hơn 7 năm, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, “sàn diễn” cho nhiều hoạt động văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, tạo nên sức hút với khách du lịch đến Thủ đô. Thế nhưng, vì lợi ích kinh tế, vì một vài động thái lạm dụng của nhà quản lý cũng như đơn vị tổ chức đã làm xấu xí những thành quả từng gặt hái về kinh tế, văn hóa của nơi này.

Không gian phố đi bộ đang bị lạm dụng quá mức bởi những hội chợ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng. Có tình trạng các loại thực phẩm, gian hàng tạp hóa nối tiếp nhau bày bán hàng, trong đó có không ít quầy bán quần áo đại hạ giá giống như những phiên chợ ở những vùng quê. Ngoài những phiên chợ này, một số sự kiện thể thao, thương mại khác tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng gây phiền nhiễu cho khách tham quan. Theo các chuyên gia, nếu chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế khi vận hành một tuyến phố đi bộ sẽ khiến mô hình này thất bại. Trong khi mục tiêu thành lập phố đi bộ không chỉ để kinh doanh, tăng nguồn thu cho địa phương mà là nâng cao chất lượng đô thị và trả lại cho người dân phần không gian hằng ngày bị xe cộ xâm lấn.

TĂNG THUẾ THU NHẬP ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ 

Việt Nam đã 2 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Tuy nhiên, các mức tăng thuế hiện nay được đánh giá là quá thấp, chưa đủ sức để hạn chế việc sử dụng thuốc lá như kỳ vọng. Thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết.

Cụ thể, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá năm 2014 là 65%; tăng lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019 (tính trên giá xuất xưởng). Trong khi đó, mức chi tiêu hằng năm cho thuốc lá ở Việt Nam vào khoảng 31.000 tỷ đồng. Số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam là hơn 30.000 người vào năm 2002 và con số này được chuyên gia quốc tế dự báo sẽ lên đến 70.000 người vào năm 2030. Và tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử lại có chiều hướng tăng lên với mức tăng từ 0,2% lên 3,6%, tập trung ở nhóm tuổi 15-24. Do vậy, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên là bảo vệ người tiêu dùng, có thể làm giảm chi tiêu cho thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá với mức thuế đủ cao, dùng giá bán thuốc lá để làm căn cứ tính thuế thay vì giá xuất xưởng, có lộ trình tăng thuế thuốc lá nhanh, đẩy mạnh việc làm cho gánh nặng thuế thuốc lá tại Việt Nam tiệm cận với mức trung bình của thế giới (56%) và mức do WHO khuyến nghị (70%).

ĐÀO TẠO NGHỀ THEO ĐỊA CHỈ: GIẢI BÀI TOÁN “BẤP BÊNH” NGUỒN NHÂN LỰC

Hiện nay, nhiều thí sinh lựa chọn học nghề bởi các ngành “hot” đang được doanh nghiệp đặt hàng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm ngay, có thu nhập tốt.

Thực tế nhiều năm nay cho thấy, tình trạng người học tốt nghiệp để rồi thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, hoặc doanh nghiệp tuyển nhân sự phải bỏ thêm chi phí ra để đào tạo trước khi sử dụng là một sự lãng phí đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, không ít trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đến việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Và đây chính là hình thức “đào tạo nghề theo địa chỉ”. Theo đó, doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo, xây dựng được lộ trình học tập và thăng tiến rõ ràng cho nhân viên thường có tỷ lệ nhảy việc thấp hơn hẳn. Ngoài ra, doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản thường sẽ chủ động, ít bị rối loạn khi có sự thay đổi về mặt nhân sự hoặc các yếu tố sản xuất kinh doanh biến động.

CUỐI NĂM, TÍN DỤNG ĐEN CÀNG “VÂY BỦA” CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG 

Lợi dụng người lao động gặp khó về tài chính, trong khi nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng cao, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến công nhân lao động.

Núp dưới “vỏ bọc” công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát dán tờ rơi, lập các website, app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội đăng tin quảng cáo cho vay tiền. Những công nhân gặp khó về tài chính và tin vào những lời mời gọi đã tìm đến những đối tượng này để vay tiền. Tuy nhiên, vì thu nhập thấp, thậm chí bị giãn việc, giảm việc… nhiều công nhân vay tín dụng đen thường gặp phải tình trạng tiền lãi cộng gốc ngày càng tăng cao, mất khả năng chi trả. Lúc đó, họ bị chủ nợ hăm dọa, đánh đập... doanh nghiệp có người lao động vay nợ bị các đối tượng quấy phá, đe dọa. Để tín dụng đen không còn “bủa vây” người lao động, giải pháp hữu hiệu vẫn là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập để trang trải và ổn định cuộc sống.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam