Điểm báo 3/1: Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ người vượt biên trái phép

Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ người vượt biên trái phép; Hành vi xả rác nơi công cộng: tăng chế tài để xử lý nghiêm; Nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp: lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người; Áp lực lạm phát năm 2024;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 3/1.

CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN DỤ DỖ NGƯỜI VƯỢT BIÊN TRÁI PHÉP 

Lợi dụng nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình... nên hoạt động đưa người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép thời gian qua diễn ra phức tạp. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (ví dụ xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar...) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn... Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức để được xuất cảnh hợp pháp.  

HÀNH VI XẢ RÁC NƠI CÔNG CỘNG: TĂNG CHẾ TÀI ĐỂ XỬ LÝ NGHIÊM 

Sáng nay, trên báo Đại đoàn kết có bài viết sau mỗi kỳ nghỉ lễ, những bãi rác khổng lồ lại ám ảnh công nhân môi trường. Điều này cho thấy, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, thì rất cần các chế tài xử lý nghiêm khắc để không còn tái diễn hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Lượng rác bình quân thải ra môi trường tại nước ta hiện nay vào khoảng 60.000 tấn/ngày, tương ứng với gần 22 triệu tấn/năm. Dự báo với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng trưởng mạnh như thời gian qua (xấp xỉ 30%/năm), lượng rác thải cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận (khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm).  Việc vứt rác bừa bãi không chỉ gây mất vệ sinh cộng đồng mà còn là một trong những thước đo sự văn minh trong hành vi ứng xử nơi công cộng, thể hiện sự phát triển về văn hóa của cộng đồng.  Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định tại Việt Nam ngoài việc nâng cao ý thức bằng việc tuyên truyền thì rất cần các biện pháp chế tài, giải pháp mạnh tay, kiên quyết để ngăn chặn tình trạng xả rác nơi công cộng.

NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO DOANH NGHIỆP: LƯƠNG "KHỦNG" VẪN KHÔNG TUYỂN ĐỦ NGƯỜI 

Lương "khủng" vẫn không tuyển đủ người. Đây là 1 thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và doanh nghiệp. Điều này có nguyên nhân do sự mất cân bằng trong phân bổ đào tạo, có những ngành thừa và những ngành thiếu hụt.

Theo đó, việc làm tốt, thu nhập ổn định là mong muốn chính đáng, nhưng đối với những ngành nghề đòi hỏi chất xám, chuyên môn sâu thì rất ít người đủ năng lực vượt qua “vòng loại”. Đồng thời, thực tế lâu nay, khi tuyển dụng những lao động đã được các trường đại học đào tạo, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Theo các chuyên gia lao động - việc làm và doanh nghiệp, Yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn của nhân sự rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, để tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với khó khăn, áp lực của thị trường. Do đó, rất cần những giải pháp căn cơ để có nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển.     

ÁP LỰC LẠM PHÁT NĂM 2024 

Trên báo Hà Nội mới, có bài viết, năm 2024, Việt Nam vẫn cần quan tâm đến áp lực lạm phát để chủ động kiểm soát có hiệu quả, bảo đảm đời sống dân sinh.

Trong đó, Giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao và Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và từ đó đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên. EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao. Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch… dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian tới.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam