Điểm báo 30/8: Nguy kịch vì tự làm bác sĩ

Doanh nghiệp bất an khi tỷ giá tăng; Nguy kịch vì tự làm bác sĩ; Chặn “vượt rào” tuyển sinh; Cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp "đòi" số CCCD;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 30/8.

DOANH NGHIỆP BẤT AN KHI TỶ GIÁ TĂNG

Giá bán USD tại một số ngân hàng thương mại đã vượt 24.000 đồng lên 24.300 đồng/USD. Tỷ giá đã tăng 2% so với đầu năm, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu sản xuất lo lắng. Theo các doanh nghiệp, khi tỷ giá biến động mạnh, các DN vay nợ bằng ngoại tệ cũng đứng ngồi không yên, đặc biệt là những DN vay với lãi suất thả nổi, hệ quả phải gánh đến sớm nhất.

Theo các chuyên gia, biến động mới nhất về tỷ giá có thể khiến quá trình giảm lãi suất cho vay bị chậm lại. Bởi nếu tỷ giá VND/USD tăng sẽ không có lợi cho nền kinh tế mới nổi và mở cửa như Việt Nam. Vì vậy, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ hài hòa để vừa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm. Các DN cần cẩn trọng trong việc mua bán USD để giảm sức ép cho thị trường, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong kinh doanh.

NGUY KỊCH VÌ TỰ LÀM BÁC SĨ

Tình trạng một số người tự ý sử dụng thuốc hay bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ đang là một vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng.

Thông tin Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp là anh em trai ruột (15 và 11 tuổi) được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid. Một trường hợp khác được ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân (43 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, xuất hiện khối sung nề, đau vùng thắt lưng. Đáng nói, những trường hợp phải nhập viện vì thói quen tự ý sử dụng thuốc hay lạm dụng thuốc như trên không hề hiếm. Thực tế đã ghi nhận nhiều bệnh nhân đã gặp phải những tác dụng phụ nặng nề do sử dụng thuốc không hợp lý. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay giảm liều lượng thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân lưu ý tái khám định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ.

CHẶN “VƯỢT RÀO” TUYỂN SINH

Nhiều cơ sở giáo dục đại học bị phạt do tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Các chuyên gia nhận định, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phù hợp với thực tiễn nên cần sửa đổi, bổ sung để các trường “tâm phục, khẩu phục” nếu bị phạt.

Các chuyên gia cho rằng, việc để các trường tự chủ và thực hiện theo cơ chế “mở” là đúng nhưng cần có giới hạn. Các trường phải tuân thủ các quy định đã có. Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể, rõ ràng và chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để các trường không dám “vượt rào”. Đồng thời, nên có “biên độ” để các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, vì khi đã có quy định thì các trường cần chấp hành. Nếu thấy bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tế thì có thể kiến nghị, đề xuất để sửa đổi bổ sung, không nên “cố đấm ăn xôi”.

CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN MẠO DANH CƠ QUAN TƯ PHÁP "ĐÒI" SỐ CCCD

Thời gian gần đây, nhiều người dân liên tục nhận được các cuộc điện thoại giả danh cơ quan công an, tòa án... thông báo công dân có số CCCD bị sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.

Các đối tượng giả danh đề nghị người dân đọc lại số CCCD để kiểm tra. Đáng chú ý, sau nhiều cảnh báo về việc cơ quan công an không làm việc qua điện thoại, các đối tượng giả mạo đã đổiphương thức hoạt động là - hẹn công dân đến cơ quan công an để làm rõ... Khi có được số CCCD sẽ sử dụng thông tin trên CCCD đăng ký mã số thuế "ảo", vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người bị lộ số CCCD sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu các khoản lãi suất cao và các điều khoản vay không rõ ràng, dù bản thân không hề vay tiền. Đây là dấu hiệu lừa đảo. Do vậy người dân cần chú ý nâng cao cảnh giác.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam