• 1147 lượt xem
  • 06:24 28/08/2023
  • Xã hội

Điểm báo 28/8: Tranh luận việc có nên đưa lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc

Quy định mới vay ngân hàng từ 1/9; “Xanh hóa” xe buýt: cần cơ chế đột phá; Tranh luận việc có nên đưa lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc; Đẩy mạnh chuyển đổi số để kích cầu du lịch;...Lã những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 28/8.

QUY ĐỊNH MỚI VAY NGÂN HÀNG TỪ 1/9 (TIỀN PHONG)

Thông tư 06 quy định những điểm mới được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng, thuận tiện. Bài viết trên báo Tiền phong.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9 thêm điều kiện vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở…); đồng thời, thông tư này cũng bổ sung về cho vay bù đắp tài chính, trong đó bao gồm cả cho vay bù đắp cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội. Điều này có nghĩa là cho phép người dân được vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác (với nhiều mục đích vay hơn). Tác động này rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn.

“XANH HÓA” XE BUÝT: CẦN CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ (ĐẠI ĐOÀN KẾT)  

Trước thực trạng ô nhiễm không khí do khí thải của các phương tiện giao thông ở các thành phố lớn ngày càng gia tăng, việc “xanh hóa” các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, Hà Nội ước tính cần khoảng 15.000 tỷ đồng để thay thế toàn bộ xe buýt điện. Với TP. Hồ Chí Minh, dù trợ giá nhưng xe buýt điện vẫn lỗ. Có thể thấy áp lực đầu tư mới phương tiện quá cao, và nguồn điện cũng đang là rào cản lớn với việc chuyển đổi xe buýt điện. Bên cạnh đó chất lượng dịch vụ cũng cần “xanh hóa” là vấn đề chuyên gia đặc biệt lưu ý. Giới chuyên gia nhận định, với lộ trình chuyển đổi xe buýt, taxi sang xe sử dụng năng lượng xanh, Nhà nước cần có hành lang chính sách cụ thể và Bộ, ngành liên quan cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá thì mới có thể đạt hiệu quả.

TRANH LUẬN VIỆC CÓ NÊN ĐƯA LỊCH SỬ THÀNH MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT BẮT BUỘC (LAO ĐỘNG)

Những năm gần đây, ngành giáo dục chú trọng vào việc “dân ta phải biết sử ta”. Từ đó, cũng có nhiều ưu tiên cho bộ môn Lịch Sử. Nhiều bình luận khá hứng thú và đồng tình với định hướng mới của ngành cho bộ môn này, vì đại đa số giới trẻ ngày nay đều không am hiểu những kiến thức về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Nghịch lý hơn, khi các hình thức giải trí lên ngôi, các bạn còn nắm chắc thông tin về lịch sử các nước bạn hơn nước mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người đặt câu hỏi: ưu tiên môn Sử là hợp lý nhưng có cần thiết đặt môn Lịch Sử trở thành môn học bắt buộc?

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về phương án đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trên báo Lao động có bài viết về vấn đề này.

Theo ý kiến của một số thầy cô giáo đề xuất phương án môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn còn lại trong tổ hợp môn tự chọn gồm: Lịch sử, Địa lý, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ.… Như vậy học sinh sẽ thi tất cả 4 môn đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo khối ngành. Phương án này giảm được số môn thi theo dự kiến của Bộ GDĐT nhưng vẫn đảm bảo mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Thầy cô, phụ huynh, học sinh rất mong Bộ GDĐT sớm có công bố phương án thi, số môn thi, hình thức thi… để có sự chuẩn bị sớm cho lứa học sinh học chương trình 2018, thi tốt nghiệp vào năm 2025.    

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ KÍCH CẦU DU LỊCH (VOV)  

Ngành du lịch truyền thống không thể đứng ngoài và không thể không chuyển đổi, kịp thời thích ứng với bối cảnh mới mà kỷ nguyên số đặt ra để kích cầu du lịch. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số ngành du lịch có thể giúp cho khách hàng mở rộng trải nghiệm của mình với nhiều tiện ích. Để chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch, yêu cầu đặt ra đó là phải có cách tư duy mới về tư duy số, cùng những năng lực số để có thể chuyển đổi một cách hiệu quả cách thức tổ chức, vận hành các hoạt động du lịch theo hướng kết hợp người và máy để ứng dụng các công nghệ và dữ liệu số. Cùng với đó, các công ty du lịch cần thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng tốt hơn, hỗ trợ khách hàng để có được những trải nghiệm tốt nhất.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam