• 1197 lượt xem
  • 11:50 29/04/2024
  • Văn hóa

Về Bình Định khám phá làng nghề nón ngựa hơn 300 năm tuổi

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có truyền thống lịch sử hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc. Và mới đây, Bộ VH-TT-DL công nhận Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là chiếc nón ngựa với tuổi đời gần 200 năm, được nghệ nhân Đỗ Văn Lan gìn giữ đến tận bây giờ. Đã 61 năm gắn bó với nghề, ông Lan luôn tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn sản xuất nón ngựa. Có 3 công đoạn chính để tạo ra nón ngựa gồm làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Mỗi công đoạn domột thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa.

Nón ngựa được làm từ 3 nguyên liệu chủ yếu: cây giang, lá kè và rễ dứa.Nón ngựa Phú Gia có các mức giá khác nhau. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/chiếc. Còn đối với loại nón làm bắt mắt hơn, phần đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có trạm trổ long, lân, quy, phụng thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Một chiếc nón ngựa đạt chuẩn phải mất cả tháng để hoàn thành, giá trị chiếc nón cao nên sức tiêu thụ chậm.

Hiện làng nghề có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất nón ngựa. Và mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành quyết định đưa nghề thủ công truyền thống - nghề chằm nón ngựa Phú vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Nón ngựa Phú Gia là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn với mảnh đất Tây Sơn, Bình Định cũng như nghĩa quân Tây Sơn. Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, các nghệ nhân còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến với đất võ Bình Định.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Bảo Lâm