Điểm báo 26/5: Giả danh y bác sĩ để bán thực phẩm chức năng có thể xử lý hình sự?

Giả danh y bác sĩ để bán thực phẩm chức năng có thể xử lý hình sự?; Vào đại học bằng học bạ: Điểm thấp, chất lượng đào tạo thế nào?; Chặn “cái chết trắng” Qua bưu chính và chuyển phát nhanh;... là những tin đáng chú trên mặt báo sáng ngày 26/5.

GIẢ DANH Y BÁC SĨ ĐỂ BÁN THỰC PHẨM CHỨC NĂNG CÓ THỂ XỬ LÝ HÌNH SỰ?

Thời gian qua, tình trạng giả danh bác sĩ để bán thuốc, thực phẩm chức năng vẫn tiếp diễn tràn lan khiến người dân“tiền mất, tật mang”, uy tín của các bác sĩ bị ảnh hưởng, tuy nhiên hiện nay chế tài chưa thực sự nghiêm khắc để xử lý. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị.

Đánh giá về góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng Hành vi của các đối tượng giả mạo bác sĩ, cơ sở y tế để bán thực phẩm chức năng là hành vi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể xử lý bằng chế tài hình sự. Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, thu lợi bất chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối hoặc tội lừa dối khách hàng. Ngoài ra, Nếu có hành vi đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng thể có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự với chế tài rất nghiêm khắc.

VÀO ĐẠI HỌC BẰNG HỌC BẠ: ĐIỂM THẤP, CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO THẾ NÀO?

Cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển Đại học bằng xét học bạ. Theo đó, không ít trường có mức điểm sàn thấp, trung bình chỉ khoảng 5 điểm/môn. Nhiều nghi ngại đang đặt ra về chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo của các trường. Bài viết trên báo Đại Đoàn Kết. + Theo ghi nhận thực tế, với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ đã công bố đợt 1/2023, nhiều trường đại học đều xác định điểm chuẩn 18 cho các ngành. Riêng các ngành sức khỏe có điểm chuẩn 24. Một số ý kiến cho rằng xét tuyển theo học bạ không đánh giá được năng lực thí sinh, các trường có thể đánh giá năng lực thí sinh dựa trên tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ xét riêng mỗi kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Điều đáng nói, nghịch lý học bạ đẹp, điểm thi thấp theo đó cũng đã tồn tại vài năm trở lại đây. Sự “vênh” nhau giữa điểm thi và điểm học bạ không chỉ xảy ra ở những địa phương vùng xa, vùng khó ngay tại khu đô thị lớn, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về vấn đề “học thật, dạy thật, thi thật”. 

CHẶN “CÁI CHẾT TRẮNG” QUA BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT NHAN

Trên báo Giáo dục và thời đại có bài viết, hiện nay tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch... để ngụy trang, cất giấu ma túy thẩm lậu vào Việt Nam đang là vấn đề “nóng” thách thức các cơ quan bảo vệ pháp luật. + Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng tên giả, giấy tờ giả, địa chỉ không rõ ràng, không có thật, điện thoại sim rác, thuê người nhận hộ để gửi hàng, nhận hàng. Ngoài ra, Tội phạm thuê các công ty dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh hàng hóa qua nhiều công đoạn để làm thủ tục khai báo hải quan, giao hàng tận nơi, nếu bị phát hiện dễ dàng xóa dấu vết. Dự báo các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng tuyến đường từ hàng không, chuyển phát nhanh, bưu chính để vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Do vậy các cơ quan hữu trách cần làm tốt công tác tuyên truyền đến các công ty vận chuyển hàng hóa, người làm nhiệm vụ giao nhận hàng hóa, kiểm soát hàng hóa nắm vững các quy định của pháp luật về trách nhiệm trong việc giao nhận hàng có chứa chất ma túy.

TRẺ EM TRONG THẾ GIỚI SỐ: GIẢI QUYẾT RỦI RO VÀ THÚC ĐẨY CƠ HỘI

Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em nhưng cũng kèm theo những nguy cơ, rủi ro cho con trẻ…Bài viết trên tờ VNEconomy.

Chuyên gia Chương trình bảo vệ trẻ em UNICEF cho biết, qua đại dịch Covid-19, các gia đình và trẻ em phụ thuộc tới internet nhiều hơn để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội. Tình trạng trẻ bị bắt nạt có nhiều thay đổi; khác với bị bắt nạt trực tiếp, bị hành hung thân thể thì trên môi trường mạng, trẻ dễ bị bắt nạt qua mạng bởi những bình luận chế giễu, cợt nhả, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe dọa, làm mất mặt hoặc bị xuyên tạc thông tin. Trên cơ sở đó các chuyên gia kiến nghị cần rà soát, cập nhật, bổ sung khung pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cũng như xử lý các hành vi phạm tội mới. Cùng với đó, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ và chính trẻ em tự nhận thức và phòng tránh nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trên môi trường mạng.