Điểm báo ngày 15/03: Việt Nam chính thức mở cửa du lịch: “Cơ hội vàng” cho hàng không và du lịch

Những nội dung đáng chú ý đăng trên các báo ngày 15/03: “Cơ hội vàng” cho hàng không và du lịch; Bộ Tài chính chưa xây dựng Dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất; Bình Dương làm gì để giải “cơn khát” 100.000 lao động?; Dạy học “2 trong 1”: Linh hoạt về công nghệ.

“CƠ HỘI VÀNG” CHO HÀNG KHÔNG VÀ DU LỊCH 

Tiếp tục chương trình là phần điểm nội dung các bài viết nổi bật được các báo đăng tải sang nay. Từ ngày hôm nay (15-3) Việt Nam chính thức mở cửa du lịch. Đây sẽ là thời điểm “vàng” cho ngành hàng không khi du khách quốc tế trở lại nước ta. Bài viết trên báo Kinh tế đô thị trích dẫn ý kiến PGS.TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, Cùng với việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ, việc cho phép du lịch mở cửa đón khách quốc tế chính là hai quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng không. “Những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn hoạt động bay, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam”. Theo dự báo của các chuyên gia y tế, dịch bệnh đã và đang diễn biến theo chiều hướng tích cực lên. Do đó, đã đến lúc phải khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh để đưa nền kinh tế phục hồi.

BỘ TÀI CHÍNH CHƯA XÂY DỰNG DỰ THẢO LUẬT ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ NHÀ, ĐẤT

Bộ Tài chính chưa xây dựng dự thảo Luật đối với tài sản là nhà, đất. Thông tin trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Theo bài viết, Trên cơ sở vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ quy định, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030

BÌNH DƯƠNG LÀM GÌ ĐỂ GIẢI “CƠN KHÁT” 100.000 LAO ĐỘNG? 

Mặc dù ngành chức năng địa phương đang nỗ lực hết mình, doanh nghiệp tăng lương, “đội nắng” ra đường tuyển dụng… Bình Dương vẫn còn thiếu khoảng 100.000 lao động mới đáp ứng nhu cầu. Vấn đề thiếu lao động đang trở nên nan giải hàng năm tại địa phương phát triển công nghiệp bậc nhất cả nước. Bài viết phản ánh trên báo Tiền phong.

Theo bài viết, những ngày qua, trên các tuyến đường quanh khu công nghiệp ở Bình Dương, doanh nghiệp vẫn kiên trì đặt bàn ngoài đường, bố trí nhân sự để tuyển dụng. Mức lương được doanh nghiệp công khai trên bảng tuyển dụng rất cao từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh cần nhiều lao động để mở rộng sản xuất, Nhiều doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, lao động về quê, chưa quay trở lại làm việc. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Bình Dương đều có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng từ vài trăm, thậm chí cả ngàn lao động. Cũng theo bài viết, các ban ngành, địa phương đã và đang dồn hết tâm sức để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, ổn định sản xuất.

DẠY HỌC “2 TRONG 1”: LINH HOẠT VỀ CÔNG NGHỆ

Mở cửa trường học là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh căng thẳng, việc tổ chức dạy học trở nên khó khăn, xuất hiện nhiều bất cập. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại. Theo bài viết, về mặt tổ chức quá trình dạy học: Phải thừa nhận là cho dù dạy học trực tiếp nhưng cơ hội và khả năng tương tác, bầu không khí học tập, môi trường học tập vẫn chưa thể quay trở lại như thời gian trước dịch. Giáo viên và học sinh trao đổi qua khẩu trang, hệ thống âm thanh chưa tốt, khó tổ chức hoạt động hợp tác, hoạt động di chuyển cần thiết trong lớp học, thiếu thời gian để quản lý, tổ chức hoạt động... Việc tích hợp hoạt động giảng bài trực tiếp (tại lớp học) kết hợp truyền qua Zoom đòi hỏi phải có hệ thống chuẩn bị tốt (không thể chỉ dựa vào sáng kiến của giáo viên sử dụng điện thoại cá nhân làm camera truyền phát, hệ thống âm thanh trong lớp chưa bảo đảm, kết nối Internet còn hạn chế…). Về mặt bảo đảm chất lượng: Hệ thống nội dung được số hóa vẫn cần được chuẩn hóa trong mỗi trường, giữa giáo viên trong tổ chuyên môn, việc bố trí các phòng học linh hoạt, phân hóa nhóm đối tượng học sinh chưa được chú trọng