Di tích lịch sử văn hóa - Nguồn lực đặc biệt góp phần phát triển KT-XH của Hà Nội

Tính đến nay, Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, quốc gia và thế giới. Hà Nội là một trong những Thủ đô có hệ thống di tích lịch sử văn hoá đồ sộ, đa dạng và hàm chứa nhiều giá trị nhân văn nhất trên thế giới. Vậy cần phát huy giá trị di sản tại các di tích thế nào để Hà nội sớm trở thành “Thủ đô di sản”, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan?

Là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, nhưng các nhà quản lý khu di tích lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã nỗ lực để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan bằng sự đa dạng của các hoạt động văn hóa tại di tích, bằng ứng dụng số. Khách đến Văn Miếu- Quốc Tử Giám không chỉ dừng lại ở việc ngắm, nhìn những giá trị cảnh quan mà còn có thể khám phá kỹ hơn về những giá trị văn hoá vật thể được hiện thực thông qua những hoạt động trưng bày, triển lãm và các hoạt động văn hóa khác tại di tích.

Sau khi tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích và không gian di sản trong khu phố cổ Hà nội đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, giao lưu nghệ thuật... góp phần phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Các chương trình này đều có sự tham gia tích cực của cộng đồng, góp phần quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát huy hơn nữa giá trị di sản tại di tích một cách bền vững, lâu dài.

Những di sản văn hóa này đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị, là một trong những lợi thế so sánh để Thủ đô phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn,...; qua đó, góp phần khẳng định vị thế động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Việt Hòa -

Sỹ Cường