Di sản Việt Nam: Tôn tạo đình tổ nghề để nâng cao giá trị đô thị

Mảnh đất Thăng Long - Hà nội là nơi hội tụ của rất nhiều nghệ nhân và nghề truyền thống của dân tộc, không ít nghệ nhân, người thợ rời làng quê đến sinh sống và lập nghiệp ở Thăng Long – Hà Nội mang theo cái nghề của bản quán và không quên gìn giữ tổ nghiệp trên mảnh đất kinh kỳ. Chính vì điều đó mà đa số các làng nghề ở Hà nội đều có đình thờ tổ nghề riêng.

Khu phố cổ Hà nội là nơi còn lưu giữ được những ngôi đình ghi dấu cho lịch sử hình thành những phường nghề, phố nghề, nhưng di sản tinh thần này nhắc nhớ công lao của các bậc tiền nhân lập làng, lập nghề. Tuy nhiên, cùng với dòng thời gian, không gian tâm linh nơi phố cổ cũng không tránh khỏi những biến đổi, thăng trầm. Có nhiều đình tổ nghề đã và đang bị mất dần với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trải qua hàng nghìn năm, dấu vết của các làng nghề cổ xưa vẫn còn in dấu ấn trên những mái đình, ngôi đền cổ kính nằm rải rác trong khu phố cổ Hà Nội hôm nay. Về mặt quy mô, cấu trúc thì những ngôi đình này không quá đặc sắc như các ngôi đình ở quê. Nhưng sự khéo léo, tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc dân gian vẫn còn lưu dấu đậm nét và sự hài hoà giữa tỷ lệ ngôi đình với cấu trúc nhà ống là yếu tố tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng có của khu phố cổ.

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa cùng với những biến thiên của thời đại, việc duy trì và gìn giữ không gian kiến trúc cũng như chức năng gốc của những ngôi đình gặp không ít khó khăn.

Những mảnh vỡ từ quá khứ còn lại ở các đình tổ nghề ngày càng trở nên mờ nhạt trước sự áp đảo mạnh mẽ của hiện thực đời sống, trước sự dần biến mất của những dấu vết cổ và trước sự ứng xử của những người dân sinh sống quanh đó.  

Mặc dù, số di tích thờ cúng tổ nghề hiện còn không nhiều, nhưng sự hiện diện của những di tích này đã tạo nên một diện mạo của khu phố cổ Hà Nội mang đặc trưng của những phố nghề mà không nơi nào có được. Chính vì thế câu hỏi làm thế nào để gìn giữ các đình tổ nghề còn sót lại ở HN đang được nhiều người đặt ra. 

 

Việt Hòa -

Bích Liên