Di sản Việt Nam |số 66|: Phát huy các giá trị di sản được UNESCO ghi danh

Tuần qua, Hội nghị Quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" diễn ra tại Ninh Bình đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh phát huy các giá trị di sản được UNESCO ghi danh. Thông tin cụ thể về sự kiện này sẽ được chúng tôi đề cập ngay trong chuyên mục đầu tiên của chương trình Dòng chảy di sản cùng với những tin tức đáng chú ý khác đã diễn ra trong tuần qua.

Từ ngày 2-4/7, Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam đã diễn ra tại Ninh Bình với sự tham gia của nhiều đại biểu nước ngoài cũng như trong nước. Hội thảo là “không gian mở” để các nhà quản lý thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh. Gần 10 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tràng An luôn được đánh giá là hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Từ một địa phương bị ô nhiễm bởi khai thác xi măng, hiện Ninh Bình đã 4 năm liền lọt danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, điểm đến thân thiện nhất thế giới, tạo 20.000 việc làm cho người lao động.

Việt Nam hiện có 57 danh hiệu UNESCO gồm các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu... góp phần hình thành thương hiệu của mỗi địa phương, phát triển du lịch và thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều địa phương đang gặp thách thức trong việc hài hòa về lợi ích giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Để đạt được hiệu quả bền vững, việc gìn giữ di sản cần sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng cư dân.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!


 

 

Anh Thư