Đầu tư công nghệ cao để đưa Sâm Ngọc Linh sớm trở thành “quốc bảo”

Thời gian qua, việc trồng Sâm Ngọc Linh đã được các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân quan tâm nuôi cấy mô và gieo hạt nhằm chế biến và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết đã khiến cho việc khai thác loại sâm này tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả.

Theo các chuyên gia, Sâm Ngọc Linh đã được phát hiện và sử dụng từ những năm 1970 thời kỳ kháng chiến. Đây cũng là loài sâm mới của thế giới và đặc hữu tại Việt Nam, được Chính phủ lựa chọn làm cây thuốc xây dựng sản phẩm quốc gia. Nhưng việc bảo tồn và phát huy hết giá trị của loài sâm này thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là về nền tảng công nghệ.

Không những thế, theo thống kê của Tập đoàn Y Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam, có đến 90% các sản phẩm được bày bán trên thị trường là hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, điều này cũng là động lực để các doanh nghiệp phải đầu tư thêm công nghệ giúp minh bạch hoá các thông tin về sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao có vai trò rất quan trọng. Bởi nó không chỉ bảo tồn nguồn gen của loài thực vật quý hiếm này, mà còn là giải pháp giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Cũng theo các chuyên gia, Sâm Ngọc Linh là một sản phẩm riêng biệt của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn, đủ sức cạnh tranh với trị giá hàng tỷ USD. Do đó, để đưa sản phẩm này sớm trở thành quốc bảo thì cần phải đáp ứng ba đồng: Một là đồng nhất về giống, Hai là đồng nhất về công nghệ và Ba là đồng nhất về chất lượng sản phẩm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Công Kiên