Đà Nẵng: Quy hoạch "treo" khiến người dân sinh sống bất hợp pháp ngay trong chính căn nhà của mình

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, hiện đại và là hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, dẫn đến những dự án giao đất, cho thuê đất sai phạm, bị kiểm toán, thanh tra kéo dài nhiều năm, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn.

Trong khi đó, quỹ đất của Đà Nẵng rất hạn hẹp so với các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cần có những cơ chế, giải pháp căn cơ để Đà Nẵng xử lý dứt điểm tình trạng này để thực sự phát triển đúng kỳ vọng, tạo được niềm tin cho nhân dân.

Phóng viên NGUYỄN HÙNG: “Công trình xuống cấp, các trang thiết bị xây dựng hoen rỉ, đất bỏ hoang và những ngôi nhà trơ khung cùng tuế nguyệt. Gần 14 năm trôi qua, một dự án được kỳ vọng đưa bộ mặt đô thị Đà Nẵng lên tầm cao mới giờ đây chỉ còn là nỗi thất vọng”.

Năm 2005, dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu đôla. Năm 2015, dự án chuyển nhượng cho Công ty xây dựng 79, công ty này lại chuyển nhượng cho Công ty Đa Phước. Sau đó, Công ty Đa Phước đã bán một phần các căn hộ và đưa gần 200 hộ dân vào ở. Năm 2017- 2019, khởi tố bắt tạm giam Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm liên quan đến các sai phạm đất đai. Năm 2020, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội yêu cầu UBND TP Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án 29ha tại khu Đa Phước. Tuy nhiên, bản án này rất khó thực hiện bởi gần 200 hộ dân mua nhà, đất đều đúng quy định pháp luật. Và đến nay, những hộ dân này đều bị tạm dừng cấp sổ đỏ, họ đang sinh sống bất hợp pháp trong chính căn nhà của mình. 

Ông LÊ VĂN THANH - Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng: “Toàn bộ khu này, người dân sống trên nhà mình mà giống như dân vô cư, vì tính chất pháp lý đâu có, nó gây ra rất nhiều bất tiện cho cuộc sống, con cái, học hành, điện nước và thậm chí trong mùa dịch cũng vậy, không hưởng được quyền lợi gì trong mùa dịch hết”.

Ông NGUYỄN VĂN TẤN - Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng: “Chúng tôi mua là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và minh bạch, nên trong thời gian tới, tôi mong chính quyền thành phố cùng với Nhà nước làm sao tập trung giải quyết cho người dân khu này được hưởng quyền lợi chính đáng của mình, để người dân được sinh sống ổn định. Ngay việc quản lý hành chính, chúng tôi bây giờ được xem như người dân lậu, đâu có ai quản lý chúng tôi”. 

Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách nhà nước. Đối với các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan đến dự án 29ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án TAND tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án 29ha theo thủ tục giám đốc thẩm.

Luật sư PHẠM NGỌC HẢI - Văn phòng Luật AMI LAWFIRM: “Đối với người dân, họ hoàn toàn ngay tình trong giao dịch này. Họ chỉ nhận chuyển nhượng tài sản là căn hộ hoặc là đất trong dự án. Họ không liên quan đến sai phạm của những thành viên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu thu hồi toàn bộ dự án thì họ có thể mất trắng. Việc xử lý là phải thích đáng nhưng cần cân bằng với các bên thứ ba khác”.

Liên quan đến việc thi hành bản án vụ Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh, việc xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý dẫn đến lãng phí một diện tích đất rất lớn ngay trung tâm thành phố. Sau nhiều năm, địa phương mới đang tiến hành tháo dỡ hơn 100 căn nhà nằm trên khu "đất vàng" xung quanh sân để thi hành án.

Ông NGUYỄN QUỐC HÒA - phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng: “Chúng tôi thấy vô cùng thất vọng. Làm thế nào để khắc phục được những tình trạng này? Những nơi chúng ta thu hồi được thì khẩn trương thu hồi, những nơi chúng ta làm được thì khẩn trương triển khai làm để người dân thấy được trước mắt là chúng ta không còn những cảnh hoang tàn của công trình dự án bỏ hoang nữa”.

Ông ĐỖ XUÂN MẠNH - quận Hải Châu, Đà Nẵng: “Lãnh đạo Đà Nẵng phải nghiên cứu biện pháp tháo gỡ, dựa trên cơ sở pháp luật và dựa trên cơ chế của địa phương để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Những vướng mắc như vậy Đà Nẵng phải vào cuộc, đồng thời xin ý kiến Trung ương để cùng tháo gỡ”.

Trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều dự án đã "treo" hàng chục năm, chiếm dụng hàng chục hecta đất “vàng” như Dự án Viễn Đông, rộng 1,2ha, đầu tư năm 2008, Dự án Đà Nẵng Center, rộng gần 8.000m2, đầu tư 2008, cũng "treo" 14 năm, hay dự án Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim 1,4ha, đầu tư 2014, cam kết hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang và nhiều dự án treo khác tại khu vực trung tâm thành phố. Địa phương đã nhiều lần ra tối hậu thư, yêu cầu các chủ đầu tư phải triển khai xây dựng, nếu không sẽ thu hồi, hoặc đã quy hoạch một số dự án chậm triển khai sang xây dựng công trình công cộng nhưng không có nhiều chuyển biến.

Ông TÔ VĂN HÙNG - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng: “Chủ trương thành phố quyết định xây dựng quảng trường trung tâm tại khu vực thành Điện Hải mở rộng ra, dừng chủ trương xây dựng quảng trường tại khu vực đó. Do đó, dự án của Công ty địa ốc Vũ Châu Long sẽ xin tiếp tục triển khai. Còn dự án của Công ty Viễn Đông thì chấm dứt dự án, chuyển giao cho công ty khác tiếp tục triển khai”.

Bên cạnh đó, từ kết luận thanh tra 2852 về công tác quản lý, sử dụng đất của Đà Nẵng, đến kết luận sai phạm việc cấp đất rừng cho các dự án ở bán đảo Sơn Trà và hàng loạt dự án, khu đất liên quan đến bản án và kết quả kiểm toán Nhà nước…, tất cả đã khiến hàng triệu mét vuông đất của Đà Nẵng không thể khai thác và bị lãng phí. Đã có những e ngại trong tham mưu xử lý của cán bộ thời kỳ sau và còn nhiều vướng mắc trong luật đất đai hiện hành. 

Ông TÔ VĂN HÙNG - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng: “Khi tiếp cận Luật Đất đai, ở nhiều dự án, rõ ràng là vi phạm của chủ đầu tư đã rất rõ nhưng việc thu hồi một dự án do vi phạm Luật Đất đai phải được xem xét trong mối tương quan với các luật khác, ví dụ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… Nói như thế để các đồng chí thấy rằng, đây là vấn đề mà hiện cả nước đang đối diện, gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Luật Đất đai này”. 

Cuối năm 2021, làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành TƯ khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, Đà Nẵng chưa thực hiện tốt một số nội dung quản lý về đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, công tác định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Lợi ích của người dân chưa tương xứng với lợi ích kinh tế, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác triệt để, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, sử dụng đất lãng phí. Thành phố còn lúng túng trong xử lý các vấn đề về đất đai sau khi thực hiện các kết luận về thanh tra, kiểm tra. 

Ông TRẦN TUẤN ANH - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Bản lĩnh khi chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm do chủ quan và quan trọng hơn là hướng về phía trước để thay đổi. Nếu chúng ta không có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, sự phối hợp toàn diện giữa các ngành, các lĩnh vực quản lý nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước thì sẽ không bao giờ tháo gỡ được vấn đề này. Nếu không tháo gỡ được sẽ trở thành trở lực cho sự phát triển”.

Lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đất đai; vận dụng pháp luật để giải quyết vướng mắc đảm bảo hài hòa trách nhiệm của Nhà nước và lợi ích nhà đầu tư, không để thất thu ngân sách; kiến nghị tạm dừng xử lý nội dung “các trường hợp tương tự” trong kết luật thanh tra 2852; tổng rà soát và xây dựng phần mềm chuyên quản lý đất công chặt chẽ… Hàng loạt giải pháp đang được Đà Nẵng thực hiện để tận dụng nguồn lực đất đai.

Ông LÊ TRUNG CHINH - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Vừa làm quyết liệt sáng tạo nhưng phải đảm bảo quy định pháp luật thì cái lằn ranh này có những lúc nó bị lấn qua lấn lại nên một số anh em đã vi phạm pháp luật. Một số người nhìn thấy việc đó nên người ta rất chùn tay trong công tác đề xuất, tham mưu. Đúng quy định thì không vấn đề gì nhưng vận dụng, mà gần như một số vấn đề phải vận dụng, thì họ còn e ngại”.

Ông NGUYỄN VĂN QUẢNG - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: Đúng là dự án nó sai về mặt thủ tục nhưng chuyển đến người thứ 3 rồi mà chúng ta cứ thu dự án thì nó sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề. Nên thu lại những giá trị thiệt hại và hoàn thiện nó để tiếp tục đưa nó vào dự án, đấy là cách mà Đà Nẵng đang đề xuất, tôi tin rằng nếu như có quan điểm ủng hộ thì sẽ tháo gỡ được và đưa được nguồn lực rất lớn cho phát triển thành phố”.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất được nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Trước mắt, để khắc phục những tồn tại, bất cập gây lãng phí nguồn lực đất đai, Đà Nẵng cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, thống nhất. 

Các cơ quan phải nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ đất đai. Cần tăng cường thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Nguyễn Hùng