Cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng tại Châu Âu

Làn sóng người di cư qua Địa Trung Hải “đổ bộ” vào châu Âu đang gây ra tình trạng khủng hoảng về việc tiếp nhận, làm nóng trở lại cuộc tranh luận trong Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề phân bổ người tị nạn. Là quốc gia tuyến đầu, Italy liên tiếp cảnh báo về thách thức lớn với EU, khi số lượng người di cư kéo tới đảo Lampedusa của nước này ngày một lớn.

Theo dữ liệu của chính phủ Italia, gần 130.000 người di cư đã đến Italy trong năm nay, gần gấp đôi con số của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đã có hơn 7.000 người đến đảo Lampedusa, vượt quá khả năng tiếp nhận của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, theo tuyên bố của đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tình hình trên đảo Lampedusa đã trở nên nghiêm trọng sau khi số lượng người di cư và người tị nạn lớn chưa từng có trong những ngày gần đây. Cao ủy người tị nạn Liên Hợp Quốc kêu gọi thiết lập cơ chế khu vực thống nhất về thủ tục cập bến và bố trí lại những người di cư đến Italia bằng đường biển trên khắp EU.

Những người di cư đến từ các quốc gia bao gồm Guinea, Bờ Biển Ngà, Tunisia, Ai Cập, Burkina Faso, Bangladesh và Pakistan. Chính phủ Italia đang vật lộn với sự gia tăng số người di cư đến hòn đảo này. Mới đây, chính phủ Italia đã thông qua các biện pháp nhằm kéo dài thời gian tạm giữ người di cư và đảm bảo nhiều người không có quyền ở lại hợp pháp sẽ được hồi hương.

Khó khăn lớn nhất của châu Âu hiện nay là ngăn chặn người di cư bằng đường biển. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italia. Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch nối lại việc tiếp nhận người tị nạn từ Italia, chỉ vài ngày sau khi Berlin tạm đình chỉ hoạt động này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Quỳnh Hoa