COP 26: Xây dựng làng xã nông nghiệp carbon thấp, góp phần hiện thực hoá mục tiêu tại COP 26

Với tỉ lệ đóng góp 35,8% trong tổng phát thải khí nhà kính, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp như canh tác lúa, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chất thải chăn nuôi, xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp… là những nguồn chủ yếu gây phát thải khí nhà kính. 

Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 13%. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm khí CH4, N2O và CO2.

Tại khu vực nông thôn, những hành động quá quen thuộc vẫn thường thấy hàng ngày trong đời sống, sản xuất của người dân, mà trong nhận thức của họ là vô hại, lại chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn. Môi trường đất, nước, không khí ở nông thôn hiện đang phải gánh chịu những tác động hết sức nặng nề do chính con người gây ra.

Với nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển, hoạt động canh tác lúa được xem là nguồn phát thải khí mê tan (CH4) rất lớn tại Việt Nam. Theo nghiên cứu, nếu tính tỷ trọng tất cả các nguồn phát thải khí mê tan, hoạt động canh tác lúa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất chiếm đến trên 40 % tổng lượng phát thải. Khi ruộng lúa ngập nước, các chất hữu cơ được phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra CH4, CO2, H2S...phát thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính.

Sau khi thu hoạch, người nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng, gây ra sự ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Hàng năm, cứ sau mỗi vụ mùa, ở ngoại thành Hà Nội và các khu vực nông thôn, không khó để thấy từng làn khói mù mịt bốc lên từ những đống rơm được bà con đốt trên đồng ruộng gây cảm giác ngạt thở, và cản trở tầm nhìn. Điều đáng nói, phần lớn hộ nông dân chia sẻ họ không có nhu cầu sử dụng rơm rạ và theo họ, đốt rơm rạ không gây hại gì, lại tiết kiệm công lao động, tận dụng làm tro bón cho cây trồng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hiền Trang