COP 26: Những cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam ghi dấu ấn tại COP 28

Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vừa diễn ra ở Dubai- Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chủ đề của Hội nghị lần này là "Gắn kết - hành động - hiệu quả", diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua một năm kỷ lục về nhiệt độ và những cam kết về khí hậu hiện nay là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu. Để đạt được những thỏa thuận chung, nhằm hạn chế thực trạng đáng lo ngại về biến đổi khí hậu, Hội nghị lần nay đã phải kéo dài thời gian họp so với dự kiến. Là một trong 200 quốc gia tham gia Hội nghị quan trọng này Việt Nam đã tạo được những dấu gì tại COP 28? Đây sẽ là nội dung chính của chương trình ngày hôm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tham dự Hội nghị COP28. Tại hội nghị, có 3 hoạt động chính của Việt Nam thể hiện trách nhiệm, tính tính cực, chủ động với quốc tế. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu, Tọa đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than", công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thực thi đề án duy nhất trên thế giới về trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải.

Tại mỗi diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều có những bài phát biểu với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.

Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa không bị động, không trông chờ, không ỉ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần "không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình". 

Nhân dịp tham dự Hội nghị COP 28, Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, toàn diện, hiệu quả. Thủ tướng đã tranh thủ tối đa dịp này để gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 30 lãnh đạo, đại diện các nước và tổ chức quốc tế; qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, đồng thời góp phần thúc đẩy giải quyết các quan tâm và lợi ích của Việt Nam, tháo gỡ, xử lý một số khó khăn tồn tại. 

KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN JETP CỦA VIỆT NAM ĐƯỢC CÔNG BỐ 

Một sự kiện quan trọng mang tính điểm nhấn trong khuôn khổ COP2 8 là Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam với các đối tác quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế, bởi chỉ sau 01 năm (12/2022-12/2023) Việt Nam đã đưa ra lộ trình cụ thể. Đây là một dấu ấn quan trọng Việt Nam đã làm được tại COP 28. 

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo thế giới tại COP 28, ngày 1/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) gọi tắt là RMP của Việt Nam.

Theo đó, trong Kế hoạch này Việt Nam nêu rõ sẽ tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ chính. Trên cơ sở kế hoạch cụ thể của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thoả thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam thành những dự án mang tính đột phá.

Về bản chất, MRP là một văn kiện sống, được cập nhật thường xuyên khi quá trình thực hiện diễn ra. Với việc công bố kế hoạch này, Việt Nam đã tiến thêm một bước nữa hướng tới việc đạt được các mục tiêu JETP đã được thống nhất trong Tuyên bố Chính trị.

Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG khẳng định, sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh Kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Việc công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP là bước triển khai đầu tiên để thực hiện JETP, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRIỂN KHAI JETP HIỆU QUẢ?

Sau khi kéo dài hơn dự kiến, ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khép lại. Trong khoảng thời gian 14 ngày diễn ra Hội nghị, Việt Nam đã nỗ lực, chia sẻ, làm rõ các cam kết, kinh nghiệm và thành tựu trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Qua các hoạt động của mình tại Hội nghị, Việt Nam đã thể hiện được tầm vóc, vai trò, vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam