Chính sách đặc thù, vượt trội phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Để chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, sáng nay 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo về một số vấn đề lớn; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định,Thượng tướng Trần Quang Phương.

Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã nhận được 102 lượt ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều (bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ riêng với quốc phòng, an ninh mà còn đối với sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là củng cố, tăng cường tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đây là cơ hội để hoàn thiện hành lang pháp lý tốt nhất nhằm phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, đây là luật khó, mới, trong khi luật gốc về phát triển công nghiệp quốc gia chưa có. Vì vậy, tính chất của luật này là không thể quá chi tiết, mà là luật khung xác định nguyên tắc về chính sách để các luật chuyên ngành khác bám theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, tư tưởng chung trong xây dựng luật là có các chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp nhưng cần nghiên cứu, chọn lọc đảm bảo khả thi, phù hợp với cơ chế vận hành chung của pháp luật.

Trên tinh thần đó và kinh nghiệm xây dựng các dự án luật vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành thảo luận, tập trung vào 1 số nội dung lớn như: Quy định về áp dụng luật; giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt; nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh; tổ hợp công nghiệp quốc phòng….

Sau cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng an ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự thảo luật.

THIẾU CHÍNH SÁCH VƯỢT TRỘI VỀ LAO ĐỘNG VỚI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Mục đích xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là xây dựng được các cơ chế chính sách vượt trội để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển trước mắt và lâu dài. Công nghiệp quốc phòng giữ vai trò, sứ mệnh “đi trước mở đường”, thúc đẩy và dẫn dắt các ngành công nghiệp quốc gia phát triển. Thế nhưng, bài toán vẫn là thiếu cơ chế mang tính đột phá. Trong khi đó, doanh nghiệp thì đang loay hoay để cạnh tranh giữ chân người lao động, chứ chưa nói đến thu hút lao động trình độ cao hay phát triển đột phá.

Với 1 thợ hàn giỏi ngành đóng tàu, bậc cao gần kịch khung như anh Nguyễn Danh Sơn - công nhân Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, mỗi ngày công có thể lên đến 700.000 - 800.000 đồng, một tháng 18 triệu đồng nếu làm việc ở 1 công ty có chế độ tốt. Thế nhưng, phần vì gắn bó lâu năm với nhà máy Hồng Hà, không muốn sự thay đổi, phần vì hy vọng có 1 cơ chế ưu đãi vào quân đội, anh Sơn đã quyết định ở lại. Không phải ai cũng vậy, trong năm qua, Nhà máy Z173 đã chứng kiến hơn 20 công nhân chuyển việc.

Còn đối với kỹ sư điều khiển máy CNC, yêu cầu đặc thù là phải kiến thức về công nghệ thông tin, lập trình, khả năng đọc hiểu bản vẽ, sử dụng thành thạo phần mềm đồ họa. Vì vậy, nếu thiếu cơ chế thì không những không thu hút được, mà còn khó giữ chân người lao động.

Thiếu cơ chế vượt trội để thu hút lao động trình độ cao cũng là vấn đề Tổng Công ty Ba Son - “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp đóng tàu đang gặp phải trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng.

Cũng như công nghiệp quốc phòng nói chung, công nghiệp đóng tàu nếu được tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế chính sách và nguồn lực sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, vừa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG AN NINH LƯỠNG DỤNG, TRỞ THÀNH MŨI NHỌN

 Để công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển hiện đại, lưỡng dụng, nhất thiết phải có các cơ chế, chính sách đột phá, mang tính khác biệt, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp quốc phòng và khoa học công nghệ thế giới đang phát triển hết sức nhanh chóng. Các chuyên gia cho rằng, nền tảng cần có là các cơ chế đặc thù, vượt trội, để công nghiệp quốc phòng, an ninh có thể vượt qua những chướng ngại vật, bứt phá về đích, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Tại cuộc Tọa đàm về “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh”, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp phải tạo ra được cơ chế ưu tiên khác biệt so với các quy định, các luật hiện hành.


Phát triển hiện đại cần chính sách đầu tư để làm chủ được công nghệ lõi, đảm bảo tính lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Còn tại cuộc Tọa đàm về “Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ hợp công nghiệp quốc phòng”, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, cần phải luật hóa các quy định để tạo liên kết theo chuỗi, thúc đẩy hợp tác của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, trong đó lấy cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân.

Theo Trưởng Ban soạn thảo luật, việc xây dựng luật là để có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tạo ra những đột phá, đáp ứng nhu cầu bảo đảm vũ khí trang bị hiện đại cho quân đội, công an.

Bên cạnh đó, có chính sách vượt trội cho hoạt động khoa học và công nghệ để đảm bảo phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Khắc Phục -

Vũ Hiếu