Câu chuyện hôm nay: Tăng cường xã hội hoá xây trường mầm non tại khu công nghiệp

Tình trạng thiếu trường, lớp mầm non nhất là ở những địa bàn có khu công nghiệp đã trở thành vấn đề "nóng" ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là sự gia tăng quy mô người lao động tại các khu công nghiệp. Thế nhưng số lượng nhà trẻ để đáp ứng nhu cầu của người lao động vẫn rất ít, việc này cũng gây ra nhiều hệ lụy, đây là bài toán khó chưa có lời giải.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Huệ là công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp (tên), chuyển về địa phương này sinh sống được vài năm nay, bên cạnh nỗi lo tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt… điều lo lắng của chị và gia đình bây giờ là không biết gửi con nhỏ ở đâu để có thể yên tâm đi làm. 

Khó khăn của chị Huệ cũng là câu chuyện của nhiều gia đình trẻ là công nhân tại các khu công nghiệp, bởi hiện nay, với thu nhập thấp, thời gian làm việc lại theo ca, nên các gia đình chỉ có thể lựa chọn ở nhà trông con hoặc gửi con ở các nhóm trẻ độc lập hay trường mầm non tư thục.

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội hiện có hơn 60.000 công nhân, lao động với hàng nghìn trẻ nhỏ, thế nhưng khu vực này mới chỉ có 3 trường mầm non công lập, 5 trường tư thục và hơn 10 nhóm trẻ. Nhu cầu gửi trẻ cao nhưng trường học chỉ có hạn, điều này đã tạo ra nhiều áp lực lớn lên các giáo viên mầm non.

Chính sách cho giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non trường công lập tại các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức cũng là rào cản. Với mức thu nhập trung bình chỉ khoảng từ 3,5 -7 triệu đồng/tháng, việc thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên mầm non cũng là bài toán đặt ra nhiều thách thức.

Việc ưu tiên xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Cần tiếp tục giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu tiên quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa, khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non.

Đức Minh