Cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ chiều 24/11, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị rà soát đối với tuyến đường nội bộ trong khu công nghiệp, khu dân cư hay đường nội bộ của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ rõ ràng để xác định vụ việc là tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần rà soát tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ chủ phương tiện, vì trong thực tiễn rất khó xác định chủ phương tiện do có trường hợp là người đứng tên trong giấy đăng ký phương tiện nhưng không quản lý sử dụng trực tiếp phương tiện do đã ủy quyền cho người khác hoặc đã mua bán phương tiện nhưng chưa thực hiện việc sang tên đổi chủ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

Góp ý tại khoản 3 Điều 51 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng đối tượng áp dụng. Cử tri kiến nghị chỉ áp dụng đối với người lái xe kinh doanh vận tải mới khám sức khỏe định kỳ như quy định hiện hành thay vì áp dụng đối với toàn bộ người lái xe, nhằm tránh lãng phí, phiền hà cho người dân.

Tại khoản 4 Điều 3, Thông tư liên tịch số 26 năm 2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định: Bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông, nhưng thực tế có cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện quy định này, do khó khăn trong chi phí xét nghiệm, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, xác định vi phạm khi xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung tại khoản 3 Điều 74 như sau: Cơ sở y tế cấp cứu ban đầu người bị tai nạn do tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất và thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho những trường hợp quy định theo yêu cầu của cơ quan công an hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Đối với cơ sở y tế không đủ điều kiện xét nghiệm phải lấy mẫu máu, bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy định đến cơ sở xét nghiệm; Đồng thời cần có cơ chế đảm bảo kinh phí thực hiện nội dung này cho các cơ sở y tế.

Tại khoản 2 điều 74 dự thảo luật quy định: cơ quan quản lý công trình đường bộ đang khai thác vận hành chịu trách nhiệm liên đới để xảy ra hậu quả do hành vi không xử lý khắc phục các yếu tố mất an toàn giao thông theo quy định tại điểm a khoản này, đại biểu cho biết: Cử tri kiến nghị để thực hiện kịp thời công tác xử lý khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn đối với giao thông đường bộ cần sửa đổi cơ chế và kinh phí để có thể thực hiện ngay. Nếu thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư công, đa số việc sửa chữa công trình không kịp thời, dễ dẫn đến việc chịu trách nhiệm liên đới của các cơ quan quản lý công trình đường bộ nếu để xảy ra hậu quả theo quy định của dự thảo luật.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị rà soát tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số