Cần đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cần giải thích thuật ngữ “chuyên gia, nhà khoa học” để có cách áp dụng đúng do hiện tại khoản 7, Điều 1 Nghị định 27/2020 và Nghị quyết số 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định chuyên gia khác nhau và hiện nay chưa có Luật nào giải thích chi tiết vấn đề này. Đồng thời, cơ chế đối với chuyên gia, kể cả trong nước và nước ngoài, kể cả chuyên gia lĩnh vực khác làm việc lâu dài hay theo chế độ hợp đồng, tham vấn, tư vấn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, đề nghị cần thiết kế rõ hơn trong dự thảo Luật.

Đối với việc “liên doanh, liên kết trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh”, đại biểu đề nghị cần làm rõ các loại hình liên doanh, liên kết cụ thể trong sản xuất sản phẩm, dịch vụ, thương mại, phát triển kinh tế - xã hội để xác định, triển khai tổ chức thực hiện trong thực tiễn. 

Tại Chương II, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bố cục lại nội dung cho chặt chẽ theo hướng bổ sung “1 mục” phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng cho rõ ràng hơn, trong đó: cần có chính sách đặc thù cho các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trọng điểm phát triển mạnh theo hướng lưỡng dụng, thật sự trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, vừa sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa đảm bảo phục vụ sản xuất đời sống dân sinh trong nước và xuất khẩu; đồng thời, cần có cơ chế đủ mạnh xây dựng, phát triển các tổ hợp công nghiệp, tập đoàn quốc phòng, an ninh lưỡng dụng phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cần thiết kế thêm 01 mục về cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong đó, ưu tiên xây dựng, thu hút, đãi ngộ đặc biệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành về công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất quân sự, kỹ thuật viên và thợ bậc cao về kỹ năng chuyên sâu và các bí quyết công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, cần bổ sung 01 chính sách đặc thù, đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho nhân lực này; đầu tư nâng cao chất lượng các trường Đại học, Học viện, các viện, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần có cơ chế để tuyển cử thẳng và chính sách ưu đãi cao hơn cho các em học sinh giỏi từ THPT theo học các ngành nghề đào tạo kỹ thuật mũi nhọn cho quốc phòng, an ninh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số