Bảo tồn tiếng Ê Đê: Nguy cơ còn tiếng nhưng mất chữ

Đối với các dân tộc thiểu số, tiếng nói, chữ viết không chỉ là hồn cốt của văn hóa mà còn là phương tiện để xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thế nhưng, một số dân tộc thiểu số hiện vẫn còn giữ được tiếng nói nhưng chữ viết thì đang mai một dần, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất. Trong đó, có người Ê Đê tại Tây Nguyên.

Hằng ngày, hầu như người Ê Đê vẫn dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là đa số họ chỉ nói được tiếng, còn chữ thì chỉ biết vài từ hoặc không thể viết được ngôn ngữ của dân tộc mình. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều buôn đồng bào dân tộc Ê Đê của tỉnh Đắk Lắk, nhất là đối với các bạn trẻ.

Trước nguy cơ mai một ngôn ngữ Ê Đê, tại Đắk Lắk, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã triển khai dạy tiếng Ê Đê tại trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 80 trường giảng dạy. Tuy nhiên, quy mô triển khai ở trường tiểu học liên tục giảm. Hiện, chỉ hơn 55% số trường tiểu học trong vùng dân tộc thiểu số dạy tiếng Ê Đê. Giáo viên giảng dạy thì lớn tuổi, nghỉ hưu, không có nguồn kế cận.

Tiếng nói và chữ viết đặc trưng của người Ê Đê cũng như nhiều dân tộc khác đã góp phần vẽ nên bức tranh văn hóa độc đáo tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự hội nhập văn hóa đã gây ra mất mát đối với tiếng mẹ đẻ của nhiều dân tộc. Ngoài lưu giữ các phong tục truyền thống thì cũng cần quan tâm đến bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số để tránh nguy cơ “biến mất” theo dòng chảy tự nhiên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Liên -

Đức Hưng -

Việt Bảo