Nét đẹp văn hóa mẫu hệ của người Ê Đê

Tây Nguyên được biết đến là vùng đất mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng cao nguyên với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc, trong đó, nổi bật nhất là chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Nét văn hoá này thể hiện trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến lễ nghi của người Ê Đê từ xưa đến nay.

Trong gia đình bà H Win Niê và ông Y Jũ Êban, sau khi cưới thì ông Y Jũ về ở nhà vợ. Mọi quyết định trong gia đình đều phụ thuộc vào vợ bởi người Ê Đê coi phụ nữ như người chủ trong gia đình. Họ quan niệm, khi sinh con ra, công mang nặng, đẻ đau, sinh thành nuôi dưỡng chủ yếu của người mẹ nên con cái đều mang họ mẹ.

Theo văn hoá mẫu hệ của người Ê Đê, sau khi “ưng bụng” và muốn lấy một chàng trai, người con gái sẽ phải đi hỏi chồng. Thường nghi lễ này diễn ra sau mùa rẫy, khi lúa gạo đầy kho, ủ được nhiều rượu cần, nhà đã chuẩn bị trâu, bò, gà, heo... Nhà trai thách cưới và nhà gái phải lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà. Nghi lễ này gồm các nội dung như: Lễ xin phép cha mẹ chồng; Lễ công nhận cho đôi vợ chồng.

Văn hoá mẫu hệ cũng in đậm trong kiến trúc ngôi nhà dài của người Ê Đê. Nhà dài thường có 2 cầu thang: cầu thang đực và cầu thang cái. Nhưng cầu thang cái quan trọng hơn, với biểu tượng đôi bầu sữa và hình trăng khuyết, thể hiện sự tôn trọng phụ nữ. Ngày nay, đời sống người Ê Đê đã thay đổi, có sự cân bằng vai trò của vợ chồng trong gia đình. Người phụ nữ vẫn quyết định các việc hệ trọng, nhưng công việc gia đình đã phân công hợp lý cho các thành viên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Nguyễn Minh