Gìn giữ bến nước của buôn

Với người Ê đê ở tỉnh Đắk Lắk, từ xa xưa, bến nước đầu nguồn luôn được xem là mạch sống của buôn làng Nhưng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, có những bến nước tại đây đã bị mai một. Dự án “Bản sắc Tây nguyên” được Nhiều đoàn viên thanh niên thực hiện nhằm khôi phục lại không gian bến nước, bảo vệ rừng đầu nguồn kết hợp quảng bá văn hóa, du lịch bản địa.

Mỗi người đóng góp một cây tre bằng cách ủng hộ 50 nghìn đồng. Từ sự kêu gọi như vậy, các bạn đoàn viên thanh niên đang thực hiện dự án “Bản sắc Tây nguyên” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có kinh phí mua được hàng trăm cây tre như thế này để trồng quanh khu vực rừng đầu nguồn của các bến nước trong các buôn làng của người Ê Đê.

Trên con đường đi vào bến nước, những biển chỉ dẫn tiếng Ê Đê, tiếng Việt và tiếng Anh được các bạn trẻ lắp đặt, với mong muốn góp phần quảng bá du lịch địa phương, giúp người dân, du khách khám phá, hiểu hơn văn hóa của đồng bào Ê Đê.

Thông qua việc chủ động kêu gọi, kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức, dự án “bản sắc Tây nguyên” được lan tỏa, nhận được nhiều đóng góp của cộng đồng, do vậy không chỉ thực hiện được việc trồng tre, lắp đặt biển chỉ dẫn, mà đồng bào sống quanh bến nước còn được tập huấn kiến thức canh tác an toàn trước nguy cơ nguồn nước ngầm đầu nguồn bị ô nhiễm do thuốc hóa học từ sản xuất nông nghiệp.

Bến nước – nơi mạch nước ngầm rừng đầu nguồn tuôn chảy ngày đêm không bao giờ cạn, là nguồn sống và không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Ê Đê bao đời qua. Việc trồng tre và giúp bà con canh tác an toàn là cách để gìn giữ sự trong sạch của bến nước, và góp phần bảo vệ rừng./. 

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam