Xung đột Nga - Ukraine định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu như thế nào?

Xung đột Nga-Ukraine đã định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu, khi các nhà cung cấp Châu Phi đang sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Châu Âu, trong khi Moscow, vốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày càng hướng dầu thô của mình đến thị trường Châu Á.

Các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ, đã khiến Nga phải "xoay trục" khỏi Châu Âu, chuyển sang các khách hàng Ấn Độ và Trung Quốc. Số liệu cho thấy dòng dầu của Nga đến Châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm. 

Bà LIVIA GALLARATI - Chuyên gia phân tích thị trường của công ty Energy Aspects: “Chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển hướng đáng kể của các dòng chảy từ Châu Âu sang một số quốc gia Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ đã và đang tiêu thị rất nhiều dầu của Nga, nhiều hơn mức thường thấy. Chúng tôi hiện đang thấy Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tăng mua dầu của Nga.” 

Các nhà lãnh đạo EU vừa qua đã nhất trí về việc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Sau khi được thông qua hoàn toàn, các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô sẽ được cắt bỏ dần trong hơn 6 tháng và đối với các sản phẩm tinh chế trong 8 tháng. Theo các chuyên gia, việc giá dầu tăng là hệ quả tất yếu của lệnh trừng phạt này. Tuy nhiên, phía Nga lại được cho là đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng. 

Bà SOFIA DONETS - Nhà kinh tế học: "Ảnh hưởng của lệnh cấm vận dầu mỏ của Châu Âu rõ ràng có thể dẫn đến việc tăng chiết khấu được trả cho dầu của Nga (hiện vào khoảng 5 USD/ thùng cho người mua ở Châu Á). Ở một khía cạnh nào đó, đối với Nga, nó có thể được bù đắp bằng sự tăng vọt của giá toàn cầu. Vì vậy, vào cuối ngày, giá đối với các nhà xuất khẩu của Nga có thể gần bằng hoặc thậm chí cao hơn hiện tại. Trong khi đối với các nhà nhập khẩu Châu Âu, giá nhiên liệu rõ ràng sẽ tăng."

Trong khi đó, để bù đắp cho sự sụt giảm dầu từ Nga, các nhà máy lọc dầu Châu Âu đã chuyển sang nhập khẩu dầu thô Tây Phi, tăng 17% trong tháng 4 so với mức trung bình của giai đoạn 2018-2021. Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, xuất khẩu của Nga đã trở lại mức trước khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 4 và giá dầu đã ổn định quanh mức 110 USD sau khi đạt đỉnh trên 139 USD/thùng trong 14 năm vào tháng 3.

Quỳnh Hoa