Xử lý nợ xấu: Xoá bỏ tâm lý lãi thì hưởng, lỗ, nợ đã có ...Nhà nước lo

Nợ xấu ngân hàng được ví như "cục máu đông' có thể làm ngưng trệ lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế. Nhiều đại biểu cho rằng, thi hành Nghị quyết 42 của Quốc hội đã mang lại chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhưng rủi ro nợ xấu còn nhiều nên cần đánh giá lại quá trình thực hiện Nghị quyết 42.

Đa số các ý kiến khẳng định Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng VAMC, mang lại chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, sự tác động bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid -19 tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự báo nợ xấu sẽ có khả năng gia tăng. Vì vậy, cần thiết nghiên cứu những giải pháp phù hợp trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết.

Bà LÊ ĐÀO AN XUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: “Đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện nay có gần 40 % là nợ xấu không còn tài sản đảm bảo để xử lý do doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể. Những khoản nợ này đã treo trong thời gian dài, có khoản nợ trên 20 năm. Cần có giải pháp để xử lý, đặc biệt là các loại nợ xấu mang tính đặc thù.”

Ông BÙI MẠNH KHOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: “Đề nghị nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong thẩm định tài sản cho vay. Như vậy mới hạn chế sự gia tăng các khoản nợ xấu.”

Củng cố cho sự cần thiết phải kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu tới cuối năm 2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị phân tích nguyên nhân kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Ông HÀ SỸ ĐỒNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: “Bên cạnh khối nợ khoanh, nợ cơ cấu theo thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phình lên do hệ luỵ để từ nhiều đợt giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch, áp lực nợ xấu còn gia tăng từ khu vực phi sản xuất do rủi ro đảo chiều từ chính sách”.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai cho rằng trong bối cảnh hiện tại vấn đề tiếp tục cơ chế này là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ tất cả những tác động cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.

Trên thế giới, trong bất cứ nền kinh tế nào, khi có nợ xấu tăng cao đe doạ tới nền kinh tế và gây ra bất ổn thì Nhà nước phải can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này luôn phải gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao. Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại khôi phục, phục hồi hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.

Ông NGUYỄN CÔNG LONG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Chúng ta đang áp dụng những cơ chế rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ quá trình xử lý nợ xấu chúng ta huy động bộ máy công quyền, nguồn lực rất lớn từ công an, tòa án, thi hành án, chính quyền các cấp. Sự phục vụ của hệ thống công quyền này có tính chất vô điều kiện. Khi xử lý thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng yêu cầu không nộp thuế, nợ thuế, không nộp lệ phí tòa án….

Đại biểu Nguyễn Công Long cũng đặt câu hỏi liệu cơ chế này có đang tạo ra sự bao cấp cho hoạt động thị trường tín dụng. Nếu kéo dài có thể sẽ tạo ra tâm lý cho ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra là yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng, qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không thể trông chờ mãi vào biện pháp bao cấp của Nhà nước như trong thời gian qua.