Xem xét quy định thực hiện dân chủ cơ sở đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu khi cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Theo các đại biểu đây là vấn đề mới, nếu áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ cơ sở đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước như đối với doanh nghiệp nhà nước thì chưa phù hợp. Điều này chưa có thực tiễn kiểm chứng tính đúng đắn và phù hợp. 

Quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, các đại biểu đặt giả thiết trong trường hợp người đứng đầu các tổ chức có sử dụng lao động không thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ bị xử lý như thế nào. Và nếu bị xử lý thì điều này sẽ gây thêm áp lực không chỉ cho tổ chức sử dụng lao động mà cả cơ quan quản lý nhà nước.

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: "Nếu quy định như thế này có lẽ chúng ta đang tác động hơi nhiều vào hoạt động của tổ chức sử dụng lao động. Chúng ta đã tác động vào những tổ chức này bằng các quy định về thành lập, thanh tra, các vấn đề đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh. Nếu bây giờ lại thêm một tác động nữa tôi nghĩ chúng ta đang tác động nhiều vào tổ chức sử dụng lao động".

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, nếu không quy định về thực hiện dân chủ cơ sở đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì thiếu, nhưng ngược lại nếu quy định áp dụng tương tự như đối với doanh nghiệp nhà nước thì sẽ không khả thi và mâu thuẫn. Do đó kiến nghị về phạm vi điều chỉnh cho nội dung này nên tách riêng làm 2 phần.

Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Tất cả những luật quy định hiện hành, chủ doanh nghiệp đa số đều chấp hành rất đúng, rất tốt.  Nếu bây giờ mình áp thêm vấn đề này họ không đồng tình, không làm thì chúng ta có chế tài nào không? Trong điều cấm không có, phạm vi điều chỉnh cũng không có. Trong phạm vi điều chỉnh đưa doanh nghiệp nhà nước vào rất khó. Nếu có chế tài thì tôi đề nghị xây dựng một chương riêng cho doanh nghiệp nhà nước và một chương riêng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước".

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Nếu chúng ta không đưa nội dung dân chủ vào các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì cũng thiếu đi 1 vế, bộ phận đó không thực hiện đựợc quyền dân chủ. Ngược lại, nếu đưa hết các nội dung trong doanh nghiệp nhà nước vào doanh nghiệp ngoài nhà nước thì  không khả thi. Đề nghị tách làm 2 phần, đối với doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện nội dung gì, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước thì căn cứ trên những bộ luật có liên quan để thiết kế nội dung vừa phải, phù hợp".

Qua phân tích, các đại biểu cũng chỉ rõ, với các quy định này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Do đó đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hơp với thực tiễn, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.