• 2052 lượt xem
  • 05:48 06/08/2022
  • Kinh tế

Xây dựng Nông thôn mới cần phải bảo tồn, giữ gìn truyền thống văn hoá của địa phương

Xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia kỳ vọng góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tổ chức sáng nay, tại Hà Nội. 

Những năm qua, xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả tích cực, tính đến hết tháng 7, cả nước có 5.813 xã (chiếm 70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có hơn 800 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021), 94 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Dù vậy, tại nhiều địa phương miền núi, xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn, tthách thức. Đơn cử như Hoà Bình, đến nay mới chỉ có khoảng 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, những địa bàn vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận và đạt các tiêu chí.

Ông ĐINH CÔNG SỨ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình: “Đối với các xã còn lại chưa đạt nông thôn mới, chủ yếu là xã vùng 3, vùng khó khăn. Đây là thách thức đối với tỉnh. Với lợi thế của địa phương khi tỷ lệ đất nông nghiệp cao, diện tích rừng và độ che phủ lớn, đặc biệt với văn hoá truyền thống thì sẽ xây dựng nội dung hoạt động và chương trình xây dựng nông thôn mới phong phú, đúng với bản sắc.”

Những vướng mắc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận rõ, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng, miền và khu vực. Bởi vậy, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, giai đoạn tới Bộ sẽ chia nhỏ vấn đề, ưu tiên nhóm đặc thù để có hướng dẫn cụ thể cho từng vùng sinh thái nông nghiệp, mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Mỗi một vùng đó Bộ Nông nghiệp sẽ có hướng dẫn và cách để tiếp cận để các địa phương thấy rằng mình cũng có rất nhiều lợi thế, kể cả trung du hay miền núi phía Bắc dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng nhưng giá trị sinh thái rất cao như đồi núi, văn hóa bản địa của người dân tộc. Làm sao để kích hoạt tất cả những cái đó lên chứ nếu chỉ trông mong duy nhất vào nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta vừa đi vừa tạo ra giá trị.”

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới chất lượng phải hướng tới kiến tạo không gian. Đó cũng là một phần trong Nghị quyết 19, nâng cao năng lực và tổ chức đời sống của người dân nông thôn, bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống, văn hóa, môi trường sinh thái của địa phương đó.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Mặc dù đầu tư xây dựng rất quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là một điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Điều kiện đủ là phải hội tụ đủ các yếu tố phi công trình như tôi đã nói như văn hóa xã hội. Đặc biệt các địa phương phải tự mình phát hiện được mình đang có gì để nhân giá trị của cái đó lên phù hợp với xu thế phát triển chung chứ không phải chúng ta nhìn vào những cái không có để lấp đầy cái có.”

Giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết số 25 của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề như: OCOP; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số… sẽ là định hướng quan trọng để xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững và chất lượng.

Hà Lan