Việt Nam điểm báo: Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Một sự kiện được truyền thông thế giới quan tâm trong tuần qua, là chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Thông tin này được nhiều trang báo đăng tải, với nhận định rằng động thái này đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng.

Tờ Washington Post có bài viết nhận định “chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đưa Hoa Kỳ đến gần hơn với Việt Nam hơn bao giờ hết”. Việc nâng cấp quan hệ sẽ gắn kết hai nước một cách sâu rộng hơn về mặt ngoại giao. Bài viết dẫn lời ông Jon Finer, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định “đây là cấp độ hợp tác quốc tế cao nhất của Việt Nam“, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia có mối quan hệ quan trọng đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó.

Trong khi đó thời báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên viên cao cấp của Chương trình Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bà Erin Murphy nhận định: việc nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện cho thấy mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục nồng ấm.

Trên tờ Times of India, chuyên gia Ấn Độ kỳ cựu, Tiến sĩ SD Pradhan phân tích, có 3 yếu tố thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ.  

Thứ nhất là việc Hoa Kỳ nhận thức được vai trò quan trọng của Việt Nam đối với hoà bình và an ninh khu vực. Điều này được thể hiện ở các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Hoa Kỳ trước đây, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Thứ 2 là sự nổi lên của Việt Nam như một lựa chọn hấp dẫn cho trung tâm sản xuất. Tác giả cho rằng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều quốc gia khác, ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Thứ 3 là đường lối đối ngoại và tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Tác giả bài viết đánh giá trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong thời gian giữ chức Chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

Trên tờ The Diplomat, bài viết có nhan đề “Một kỷ nguyên mới đang bắt đầu trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam” của tác giả Jonathan D. London cho rằng, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một bước phát triển quan trọng, không chỉ cho Việt Nam và Hoa Kỳ mà cho cả khu vực và thế giới. Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ thúc đẩy nỗ lực hiện thực hoá tiềm năng kinh tế to lớn của mình. Đối với Hoa Kỳ, mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam sẽ mở rộng khả năng thương mại, kể cả trong lĩnh vực chiến lược như sản xuất vi mạch, đồng thời tạo thêm cơ hội mở rộng hợp tác an ninh với “một cường quốc tầm trung trong khu vực”.

Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nêu rõ, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Nhờ nâng cấp quan hệ, Việt Nam đang có thời cơ chuyển dịch nền kinh tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, các giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn, công nghệ và hàng không của 2 nước, bao gồm Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFouderies và Boeing, đã tham dự "Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo". Trang ChannelnewAsia dẫn thông báo của Nhà Trắng cho hay các thỏa thuận mới được Nhà Trắng công bố bao gồm các kế hoạch của Microsoft nhằm tạo ra một “giải pháp sáng tạo dựa trên AI phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi”. Phía Nhà Trắng cũng nhấn mạnh số lượng thỏa thuận đầu tư liên quan đến chất bán dẫn của các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, bao gồm kế hoạch của Marvell và Synopsys nhằm xây dựng trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại đây.

Tờ Financial Times cũng đề cập tới các thoả thuận giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có thoả thuận mua 50 máy bay phản lực 737 Max từ nhà sản xuất máy bay Boeing của Vietnam Airlines trị giá 7,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, một nhà máy Amkor trị giá 1,6 tỷ USD ở gần Hà Nội chuyên lắp áp, đóng gói và thử nghiệm chip cũng sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10. Một thoả thuận lớn khác cũng dược tác giả bài viết đề cập đến, là AMI AC Renewables, một công ty Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp Honeywell của Hoa Kỳ sẽ triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Khánh Hoà.

Trang Business CNN nhấn mạnh, các công ty từ Apple đến Intel đã tiến sâu hơn vào Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp suy thoái toàn cầu. Bài viết dẫn lời nhà kinh tế trưởng tại Natixis, Alicia Garcia – Herrero, khẳng định “có quá nhiều công ty đang tới Việt Nam”. Lý do được bà đưa ra là bởi “ Việt Nam có lợi thế là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng năng lực chuỗi cung ứng cho rất nhiều lĩnh vực từ nhiều năm trước.” Một báo cáo của Natixis gần đây đánh giá Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.

Tiếp tục chương trình với các thông tin về Việt Nam trên báo chí quốc tế. Tờ Business Times của Singapore đã nêu tên Việt Nam là 1 trong 4 nước châu Á có ngành may mặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nhiệt.

Nguyên nhân được chỉ ra, là do người lao động phải vật lộn với điều kiện nóng ẩm tăng cao, thậm chí các nhà máy buộc phải đóng cửa do thời tiết khắc nghiệt. Ngành may mặc của Việt Nam cùng với Bangladesh, Campuchia và Pakistan có thể chịu thiệt hại lên tới 65 tỉ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2030.

Nếu nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, năng suất chung giảm sẽ làm giảm 950.000 cơ hội việc làm. Lũ lụt cũng sẽ buộc các nhà máy phải đóng cửa ở bốn quốc gia chiếm 18% tổng xuất khẩu may mặc trên thế giới, đồng nghĩa với việc mất việc làm của 10,6 triệu công nhân trong các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam