Vì sao tỉnh Bình Thuận chọn rừng Mỹ Thạnh làm lòng hồ Ka Pét?

Thông tin Bình Thuận sẽ khai thác 600 ha rừng làm hồ Ka Pét đang thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều luồng ý kiến phản biện cho rằng không nên khai thác rừng làm hồ thủy lợi. Vụ việc được bắt nguồn từ các trang báo và mạng xã hội chia sẻ rộng rãi hình ảnh chụp cây cối, sinh vật trong rừng. Để kiểm tra những hình ảnh này, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tới thực địa kiểm tra, phản hồi các thông tin dư luận quan tâm.

Để kiểm chứng những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, đoàn công tác của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và chi cục kiểm lâm đã đến kiểm tra thực tế. Sau hơn vài cây số băng rừng, lội suối tại khu vực có cây căm xe đang được cư dân mạng chia sẻ được xác định nằm ngoài khu vực lòng hồ, sẽ không bị tác động khi triển khai dự án.

Chia sẻ về luồng ý kiến phản biện cho rằng không nên khai thác rừng làm hồ thủy lợi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho rằng dự án hồ Ka Pét là dự án rất quan trọng với người dân vùng hạn, việc làm lòng hồ có yêu cầu về địa hình để ngăn dòng chảy, đưa nước từ trên cao xuống chuyển tiếp cho các khu vực hạn. Khu vực làm hồ đã được tính toán kỹ.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thì trong số hơn 600ha diện tích của dự án hồ Ka Pét có 137ha là rừng đặc dụng. Còn lại là rừng hỗn giao, rừng sản xuất và đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Để thực hiện dự án hồ Ka Pét tỉnh Bình Thuận sẽ trồng hơn 1.800 ha rừng thay thế. Với người dân địa phương việc làm hồ chứa nước là điều mong mỏi từng ngày.

Dự án Hồ Ka Pét là dự án quan trọng cấp quốc gia, dự án sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 120.000 hộ dân và 7.700 ha đất nông nghiệp trong vùng hạn. Đây là dự án được người dân Bình Thuận kiến nghị suốt 20 năm qua.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Trang -

Triệu Nguyễn