Về Thanh Hóa thăm ngôi nhà cổ bên Thành Nhà Hồ: Bên ngoài mộc mạc, bên trong mang danh hiệu quốc tế

Nằm ngay sát di sản Thành Nhà Hồ, nhà cổ của bác Phạm Ngọc Tùng cũng là một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá vùng đất di sản Thành Nhà Hồ.

Đến thăm ngôi nhà cổ này, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng những đường nét, kiến trúc điển hình của những ngôi nhà cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn được nghe những trăn trở về sự trường tồn của ngôi nhà qua chia sẻ của chính chủ nhân ngôi nhà, bác Phạm Ngọc Tùng. 

PV: "Ở nhà này con thích chơi nhất ở góc nào?"

Bé Phạm Gia Khánh: "Con thích chơi nhất ở góc này ạ.

PV: "Tại sao con lại thích chơi ở góc này?"

Bé Phạm Gia Khánh: "Bởi có thùng đồ chơi ạ…..”

Những lời của bạn nhỏ này có lẽ cũng sẽ là câu trả lời như bao bạn nhỏ khác khi được hỏi về ngôi nhà mà mình đang sống. Dường như dù ngôi nhà là 10 tuổi, 20 tuổi, 100 tuổi hay 200 tuổi thì với các bạn nhỏ, đây chỉ là ngôi nhà mình được ở, được ăn, được học và được chơi. Thế nhưng, đối với bác Phạm Ngọc Tùng - ông nội bé Phạm Gia Khánh thì ngôi nhà cổ 200 tuổi này lại là niềm tự hào, là tâm huyết mà ông quyết tâm gìn giữ cả cuộc đời.

Ông PHẠM NGỌC TÙNG - Thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa: “Nhà tôi được làm 1810, tôi là hậu duệ đời thứ 7, năm nay gần 45 năm tuổi Đảng rồi nhưng vẫn cùng các cấp chính quyền giáo dục con cháu giữ gìn ngôi nhà cổ dân gian Việt Nam đã được UNESCO công nhận năm 2004.”

Với mỗi lời chia sẻ của bác Phạm Ngọc Tùng đều chứa đựng niềm tự hào lớn lao về ngôi nhà của cha ông để lại cho mình. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ngôi nhà dường như rất mộc mạc, bình dị nhưng ẩn chứa bên trong những giá trị kiến trúc không thể đong đếm.

Ngôi nhà mang nét kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa, xây dựng theo lối lộn thềm, cửa bức bàn, vật liệu gồm nhiều loại gỗ quý, chủ lực là sến, táu, xoan, lá, mặt quay chủ yếu hướng đông nam để lấy gió mát. Và chính những nét kiến trúc độc đáo đó đã khiến Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) chọn đây là công trình tiêu biểu để tiến hành trùng tu trên nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản vào tháng 9/2002. Và tự hào hơn nữa là sau khi kết thúc trùng tu, ngôi nhà của bác Phạm Ngọc Tùng chính thực được UNESCO công nhận là một trong mười ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Ông PHẠM NGỌC TÙNG - Thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá: “Nhà của mình là vốn quí rồi, các con muốn cơi nới thế nào thì cơi nới nhưng không được xâm phạm di sản này. Bố khuyên các con và các cháu cố gắng gìn giữ về sau để nó mãi mãi, để cho sắc thái của dân tộc Việt Nam mình càng đẹp đẽ hơn.”

Tâm huyết gìn giữ ngôi nhà cổ truyền đời này đã được ông dốc ruột, dốc gan thành những lời nhắn nhủ lại cho con cháu khi được hỏi về tâm tự, nguyện vọng của mình. Với ông đây không chỉ là di sản của riêng gia đình mà còn là di sản của cả một vùng đất, di sản của cả đất nước mà mình may mắn được sở hữu, bảo quản. Trải qua 200 năm tồn tại, nhiều phần cấu kiện đến giờ vẫn đạt độ hoàn thiện lên đến 90%, minh chứng cho sức sống lâu bền của ngôi nhà. Và có một điều chắc chắn, nếu những con người sống nơi đây vẫn gìn giữ được tình yêu nồng cháy với ngôi nhà cổ dân gian đẹp nhất Việt Nam như thế hệ ông Phạm Ngọc Tùng, thì ngôi nhà sẽ giữ được sự trường tồn với thời gian.

Anh Thư